"Hiến kế" khai thác thị trường Halal cho doanh nghiệp Việt

16/07/2024 09:24

Halal (người Hồi giáo) là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường này...

Bộ Công Thương cho biết, chi tiêu cho thực phẩm Halal trên thế giới đang tăng nhanh từ 1.400 tỷ USD của năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2030, dự kiến sẽ đạt gần 5.000 tỷ USD vào năm 2050.

Thị trường Halal rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt. Ảnh: Báo Công Thương

Thị trường Halal rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt. Ảnh: Báo Công Thương

Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal, tổng giá trị lên đến 470 tỷ USD. Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.

Trong khi nhu cầu thế giới tăng cao, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo như gạo, cao su,chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá…

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của các nước Trung Đông - châu Phi kém phát triển, rất nhiều sản phẩm chế biến phục vụ nhu cầu của người dân khu vực này chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Chính vì vậy, thị trường sản phẩm Halal rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù thị trường Halal rộng lớn nhưng để khai thác được thị trường này đòi hỏi doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt những tập quán kinh doanh, quy định thương mại... để có thể tiếp cận thị trường Halal.

Tại hội thảo Tiềm năng thúc đẩy các sản phẩm nông sản Hala vào thị trường Trung Đông, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận thị trường Halal, xuất khẩu các sản phẩm phù hợp sang thị trường này.

Ông Lê Châu Hải Vũ - Chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal, Giám đốc Công ty CP Consultech nhấn mạnh, điều đầu tiên khi doanh nghiệp muốn khai thác thị trường sản phẩm Halal đó là cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc điểm sản phẩm Halal và thị trường các sản phẩm này (tìm hiểu kỹ về xu hướng thị trường, sở thích của người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh...).

Khi xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal cho thị trường Trung Đông, các doanh nghiệp cần có quy trình sản xuất đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn Halal. Bên cạnh đó cần đầu tư xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing bài bản, phù hợp với thị trường...

Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Trần Trọng Kim cho biết, Saudi Arabia đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Do đó, những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường được đánh giáo cao và có nhu cầu lớn. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình bên cạnh việc đóng bao bì, in nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nguồn lực phát triển thị trường sản phẩm Halal, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal. Bên cạnh đó, nguồn lực từ Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia cũng là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với thị trường sản phẩm Halal nói chung, thị trường châu Phi - Trung Đông nói riêng.

Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư cho công tác xúc tiến thị trường, tích cực tham gia các chương trình, hoạt động hội chợ, kết nối giao thương... trực tiếp tại địa bàn thị trường.

An Mai (t/h)