Theo thống kê của Statista, thương mại điện tử xuyên biên giới đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu thương mại điện tử tại các quốc gia Đông Nam Á. Điển hình là Singapore khi thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 60%, Malaysia là 44%, tiếp đến là Việt Nam ghi nhận ở mức 37% và Thái Lan là 30%.
Thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đang thể hiện rõ tiềm năng to lớn, là một phần trong hành trình chuyển đổi của lĩnh vực xuất khẩu và các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại hội thảo “Tìm kiếm giải pháp đột phá thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực ASEAN”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại Việt Nam đang là những người hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này. Những công ty này không có đủ nguồn lực để mở rộng kinh doanh theo cách truyền thống, nhưng với thương mại điện tử, họ có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường quốc tế mà không cần đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng hay nhân lực.
Sự linh hoạt trong phương thức kinh doanh cùng với khả năng tối ưu hóa chi phí đã tạo điều kiện cho các SMEs nắm bắt cơ hội và mở rộng quy mô một cách nhanh chóng.
Người tiêu dùng sẽ không chỉ tiêu thụ hàng hóa vật lý mà cả hàng hóa phi vật thể của nhau. Internet đã giúp rút ngắn hai câu chuyện quan trọng trong thương mại, đó là không gian và thời gian. Gần đây, xuất hiện xu hướng mới là bỏ qua ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khác trong việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ logistics. Những giải pháp vận chuyển toàn diện, từ kho bãi đến giao nhận, không chỉ giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng mà còn đảm bảo tính minh bạch và tin cậy trong toàn bộ quá trình.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, việc nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, luôn được xác định là trọng tâm của phát triển thương mại điện tử Việt Nam. Điều này đã được thể hiện tại Kế hoạch tổng thể Phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch tổng thể này cho giai đoạn 2026-2030 và khẳng định thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tiếp tục là một ưu tiên trong tổng thể chiến lược phát triển thương mại điện tử Việt Nam.
Giới chuyên gia nhận định, thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ là một cơ hội mà còn là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Để tận dụng tối đa những lợi ích mà nó mang lại, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, từ sản phẩm, dịch vụ đến quy trình vận hành. Đây không chỉ là câu chuyện về việc xuất khẩu hàng hóa mà còn là việc xây dựng một chiến lược kinh doanh toàn diện, bao gồm cả việc nghiên cứu thị trường, hiểu rõ nhu cầu của khách hàng quốc tế và liên tục cải tiến để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
Các doanh nghiệp cần tìm kiếm và thiết lập quan hệ hợp tác với các nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ logistics, và các đối tác chiến lược tại các thị trường mục tiêu. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường mới mà còn giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành và mở rộng quy mô.