Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, hiện nay khoảng 75-80% lượng giấy sản xuất tại Việt Nam là giấy tái chế và được làm từ các nguồn giấy thu hồi, với tổng sản lượng hơn 6.000.000 tấn giấy tái chế hàng năm. Trong đó, khoảng 50% là từ nguồn nhập khẩu và 50% còn lại từ nguồn giấy thu hồi trong nước. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của ngành giấy Việt Nam trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Từ 2024, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhà sản xuất, nhập khẩu bắt buộc phải thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). EPR với 2 trách nhiệm là: thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, trách nhiệm tái chế đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Như vậy, nếu như trước kia các doanh nghiệp chỉ tái chế lượng rác từ sản phẩm của họ theo tinh thần tự nguyện, thì giờ đây, họ phải thực hiện nghĩa vụ này theo quy cách và tỷ lệ bắt buộc được quy định trong luật.
Đồng nghĩa, ngành giấy phải thực hiện EPR. Việc thực hiện EPR được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tái chế giấy.
Tại toạ đàm “Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Gia tăng hiệu quả công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực công nghiệp”, ông Lương Chí Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) lấy ví dụ trước đây doanh nghiệp ngành Giấy - hội viên của Hiệp hội có công suất chỉ khoảng 2000 - 5000 đến 10.000 tấn giấy/năm, nhưng hiện nay công suất của nhiều doanh nghiệp hội viên đã được nâng lên đến trên 100.000 tấn giấy/năm.
Hay như hiện nay các doanh nghiệp ngành Giấy tập trung đầu tư các dây chuyền tái chế hiện đại, đảm bảo tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Theo đó nếu như trước đây để sản xuất ra một tấn giấy phải tiêu hao từ 15 - 20 m3 nước, nhưng hiện (sau khi các doanh nghiệp trong Ngành đã nâng cấp công nghệ, đầu tư các dây chuyền hiện đại…)thì lượng nước cần chỉ là 3 - 4 m3 trên một tấn sản phẩm và tiêu hao năng lượng cũng giảm nhiều đến 20 - 30%.
Bên cạnh đó đại diện VPPA cũng cho biết từ việc thúc đẩy hoạt động tái chế từ EPR nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành giấy đã phát huy được hiệu quả khi tham gia vào Liên minh tái chế bao bì (PRO Việt Nam), tạo được mối gắn kết trong thực hiện trách nhiệm thu gom cũng như tái chế bao bì sau khi sử dụng; việc áp dụng nhiều mô hình sản xuất sạch hơn, cũng như đẩy mạnh các hoạt động thu gom giấy đã qua sử dụng trong nước đã giúp các doanh nghiệp ngành giấy kiểm soát tốt chất lượng nước thải, khí thải đồng thời tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này như là nguồn nguyên liệu thứ cấp thiết yếu trong sản xuất của ngành.
Ngoài ra theo VPPA những hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp ngành giấy tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thêm được các thị trường quốc tế (đặc biệt là ở các dòng sản phẩm thân thiện môi trường), ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là trong giai đoạn giá cả thị trường biến động thì nguồn nguyên liệu nội địa rất quan trọng.
Để phát huy tối đa những chính sách của EPR, ông Hiếu cho rằng sự đồng hành của Nhà nước với một khung pháp lý rõ ràng là yếu tố then chốt để phát huy tối đa những chính sách của EPR. Cụ thể ông đề xuất giảm mức ký quỹ bảo vệ môi trường. Thay vì mức ký quỹ 15-18-20%, đề xuất giảm xuống 5% đối với doanh nghiệp không vi phạm.
Bên cạnh đó, linh hoạt hạn mức nhập khẩu; có chính sách hỗ trợ người thu gom nhỏ lẻ; nghiên cứu, thí điểm để tăng giá trị bảng kê có thể lên đến khoảng 1 tỷ đồng/người/năm để đáp ứng nhu cầu...
Về phía doanh nghiệp, theo ông Hiếu cần tối ưu hóa quá trình sản xuất; tham gia vào các liên minh EPR trong các lĩnh vực rộng hoặc trong ngành; đầu tư vào số hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao năng lực trong điều hành, quản lý, sản xuất...