Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tháng 6/2024 đạt trên 4,28 tỷ USD, tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023. Tính chung 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng, như thủy sản tăng 29,5%, rau quả tăng 34,2%, giày dép tăng 49,7%, dệt may tăng 43,4%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 85,2%... Các thị trường xuất khẩu chính là Hà Lan, Đức, Italy, Bỉ, Pháp…
Bộ Công Thương nhận định, thương mại song phương hai bên ngày càng sôi động nhờ Hiệp định EVFTA. Người tiêu dùng trong nước ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn.
Ngược lại, các ngành hàng có lợi thế của Việt Nam xuất khẩu sang EU như dệt may, da giày, lĩnh vực vận chuyển đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động Việt Nam. Người lao động cũng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA.
Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về EVFTA cao hơn so với các FTA khác. Gần 50% doanh nghiệp từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA.
Đáng chú ý, tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 ở mức cao. Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022.
Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 cao như thủy sản (89,2%), rau, quả (88,3%), gạo (tận dụng hết hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU dành cho Việt Nam hàng năm).
Đặc biệt, giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%. Mới nhất, quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%.
Tại buổi làm việc vào ngày 30/7 với ông Josep Borrell Fontelles, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Đồng thời, đề nghị EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của Việt Nam trong phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định (IUU) và thúc đẩy các nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) để đưa hợp tác kinh tế song phương phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.
Tuy nhiên, các chính sách xanh của EU đang đặt ra hàng loạt thách thức mới cho doanh nghiệp xuất khẩu khi khối thị trường này yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt hơn đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên tiêu chuẩn về sản xuất bền vững. EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa theo hướng có lợi cho sức khỏe người dùng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…
Ðể tiếp cận những thị trường này, doanh nghiệp không chỉ phải bảo đảm chất lượng sản phẩm mà còn cần chứng minh sản phẩm thân thiện với môi trường và được sản xuất theo quy trình bền vững.
Đây không chỉ là thách thức đối với doanh nghiệp mới xuất khẩu sang EU mà cả những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm tại thị trường này. Bởi các tiêu chuẩn vốn đã quen thuộc đang dần được thay đổi, bổ sung theo hướng yêu cầu cao hơn, xanh hơn.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng: “Để xuất khẩu bền vững buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), chắc chắn những tiêu chuẩn xanh của EU bao trùm gần như tất cả những sản phẩm được xem là thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU như nông thủy sản, đồ gỗ, những mặt hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng như dệt may, da giày… Những mặt hàng này đều là một trong những đối tượng được xem là trọng tâm trong việc chuyển đổi xanh của phía EU.
“Chắc chắn là số lượng, phạm vi các doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các quy định trên là rất lớn”, bà Trang nhấn mạnh.
Để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong bối cảnh EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn xanh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Dominik Meichle cho biết, thị trường châu Âu rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để mở ra cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các quy định bền vững của Thỏa thuận Xanh EU (EU Green Deal).
Theo ông Dominik Meichle, các quy định liên quan tới lĩnh vực phát thải carbon, phá rừng và thẩm định, đòi hỏi đầu tư đáng kể vào lao động lành nghề, công nghệ và tài nguyên. Tuy nhiên, thay vì coi những yêu cầu này là rào cản gia nhập, các doanh nghiệp Việt Nam nên coi chúng là động lực để đầu tư chiến lược vào lực lượng lao động và hoạt động của mình. Bằng cách trang bị cho nhân viên kiến thức và kỹ năng về thực hành bền vững, tuân thủ và công nghệ xanh, doanh nghiệp có thể kích thích đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ và thực tiễn xanh, chẳng hạn như thiết bị tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo, tái chế nước và kỹ thuật giảm thiểu chất thải - không chỉ có thể giúp đáp ứng các tiêu chuẩn của EU mà còn giảm đáng kể chi phí và tăng hiệu quả hoạt động, biến việc tuân thủ thành một lợi thế cạnh tranh.
“EuroCham hướng tới một môi trường kinh doanh thịnh vượng cho tất cả thành viên trên khắp Việt Nam. Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của EuroCham và chúng tôi hoàn toàn cam kết hỗ trợ mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Dominik Meichle khẳng định.
Thời gian tới, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ triển khai một loạt những chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là với từng ngành có liên quan tới quy định của CBAM và những quy định liên quan đến tiêu chuẩn Xanh của Đức và của EU.
Cụ thể, đối với xúc tiến xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới và hướng dẫn mới liên quan đến Thỏa thuận Xanh và kinh doanh có điều kiện cũng như kinh tế tuần hoàn cho các ngành sản xuất trong nước, để có thể đáp ứng được tốt nhất và hiệu quả nhất các quy định mới của các quốc gia này.