Ngành da giày Việt Nam tận dụng tốt các FTA

06/08/2024 09:32

Ngành da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP. Nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024.

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất với 1,3 tỷ USD/năm, chiếm 7,3% thị phần; đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD năm 2024.

Ngành da giày Việt Nam tận dụng tốt các FTA- Ảnh 1.

Xuất khẩu ngành da giày cho thấy có nhiều sự phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Kinh tế Đô thị

Theo số liệu của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lefaso dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đạt 75-80% với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Kết quả trên đạt được nhờ việc tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP. Hầu hết doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I/2025.

Hiện, giày dép Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… Trong đó, 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan. 

Trong 6 tháng đầu năm, đối với khách hàng lớn nhất là Mỹ, trị giá xuất khẩu giày dép sang thị trường này đạt 3,8 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.

Đứng thứ 2 là Trung Quốc với hơn 900 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Hà Lan là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 với hơn 782 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc trên, ngành da giày vẫn đối diện với các khó khăn, như: nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, bị ép giá và phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, giảm nhân công và thu nhập; giá đơn hàng không tăng trong khi chi phí logistics, cụ thể là chi phí vận tải biển đã tăng liên tục và doanh nghiệp Việt phải chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Đồng thời, Việt Nam hiện vẫn chưa có thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên phụ liệu da giày...

Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 và Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 đã được Chính phủ thông qua năm 2022, cần sớm xây dựng và thông qua Chương trình phát triển bền vững ngành Dệt may - Da giày.

Thời gian tới, ngành da giày Việt Nam sẽ tham gia sản xuất nhiều dòng thuộc phân khúc cao cấp hơn, vì thế việc đầu tư phát triển nguyên phụ liệu cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao hơn. Trong đó, đặc biệt phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hoá và minh bạch bằng việc xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam.

Đây sẽ là nơi tập trung mẫu, phân phối nguyên phụ liệu; đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó giúp gỡ được nút thắt về nguyên phụ liệu.

Ngành tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đa dạng hóa, khai thác và phát triển thị trường; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc chia sẻ thông tin, đơn hàng, kinh nghiệm; đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ thiết bị, tự động hóa, ứng dụng quản trị hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu thị trường; có giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt; giữ chân khách hàng, duy trì thị trường truyền thống bằng cách lựa chọn đơn hàng phù hợp để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Tìm cách khai thác các thị trường mới thông qua xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài, tin cậy, cùng có lợi; mở rộng và khai thác thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày cần quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường. Hiện nay xu hướng của thế giới là thời trang bền vững. 

Vì vậy, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là xu hướng mà còn là bắt buộc với cộng đồng doanh nghiệp ngành da giày. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành này nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, chuyển đổi sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu, xu hướng, chiến lược và quy định mới của các thị trường, nhất là xu hướng chuyển đổi sản xuất, xuất khẩu xanh, bền vững, tận dụng có hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, VIFTA…

An Mai (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Ngành da giày Việt Nam tận dụng tốt các FTA" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.