10 doanh nghiệp Bộ Xây dựng nửa đầu năm đạt 29.914 tỷ đồng giá trị sản xuất kinh doanh

09/07/2025 09:22

Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Xây dựng diễn ra mới đây, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc Bộ có nhiều chuyển biến tích cực.

Báo cáo đến hết tháng 6/2025 của 10/14 doanh nghiệp, tổng giá trị sản xuất kinh doanh của 10 doanh nghiệp ước đạt 29.914 tỷ đồng, tương đương 43,45% kế hoạch cả năm và bằng 103,45% so với cùng kỳ năm 2024.

Doanh thu ước đạt 29.712 tỷ đồng, đạt 46,04% kế hoạch và tăng 4,67% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ước đạt 2.299 tỷ đồng, vượt kế hoạch sáu tháng gần 112 tỷ đồng.

Giá trị đầu tư trong nửa đầu năm đạt khoảng 3.504 tỷ đồng, trong đó giải ngân đạt 2.927 tỷ đồng, bằng 38,63% kế hoạch cả năm và tăng 9,86% so với cùng kỳ.

10 doanh nghiệp Bộ Xây dựng nửa đầu năm đạt 29.914 tỷ đồng giá trị sản xuất kinh doanh- Ảnh 1.

10/14 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đạt doanh thu trên 29.700 tỷ đồng sau 6 tháng. Ảnh: Internet

Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp tiếp tục bám sát lộ trình theo Quyết định số 1479, kế hoạch điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 382.

Đáng chú ý, Thủ tướng đã chấp thuận chưa thực hiện thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), giữ lại 51% vốn điều lệ đến hết năm 2025.

Đồng thời, Bộ đã hoàn tất việc hợp nhất Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam thành Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam.

Trong số các doanh nghiệp báo lãi, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là đơn vị ghi nhận sự phục hồi ấn tượng nhất. Trong 6 tháng đầu năm, Vicem sản xuất gần 8 triệu tấn clinker (tăng 6,5% so với cùng kỳ), tiêu thụ hơn 12 triệu tấn sản phẩm (tăng hơn 5%). Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế đạt trên 34 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với khoản lỗ hơn 810 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái – tương đương mức tăng gần 845 tỷ đồng.

Một trường hợp đặc biệt khác là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) – doanh nghiệp hiện đang trong quá trình tái cơ cấu theo chủ trương của Bộ Chính trị. Dù chưa cập nhật đầy đủ kết quả kinh doanh, SBIC vẫn duy trì hoạt động sản xuất ổn định, đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng, tạo việc làm và đảm bảo chế độ bảo hiểm cho 10.000 cán bộ công nhân viên.

Sau quá trình sáp nhập đơn vị từ Bộ Giao thông Vận tải, hiện Bộ Xây dựng đang quản lý tổng cộng 14 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ (trừ SBIC) là 42.300 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 34.000 tỷ đồng. Trước đó, Bộ Xây dựng chỉ quản lý 6 doanh nghiệp, trong khi Bộ Giao thông Vận tải có 7 đơn vị.

Huyền My (t/h)