Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tính đến giữa tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Một số nhóm hàng tăng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,9%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 21,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,2%...
Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 228,92 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,2%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 16,5%; sắt thép các loại tăng 1 tăng 22,5%...
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường thế giới gia tăng, đồng nghĩa với doanh nghiệp trong nước đang có nhiều thêm các đơn hàng xuất khẩu. Xuất nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam.
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng qua các tháng cho thấy tổng cầu nền kinh tế đang được nâng lên. Nhu cầu của thị trường nội địa tăng trưởng sẽ là động lực cho nền kinh tế, đặc biệt vào thời điểm từ nay đến cuối năm nhu cầu thị trường càng tăng do mùa Lễ hội. Đây là động lực rất lớn thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước phát triển.
Về thị trường xuất khẩu, báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.
Hoa Kỳ, Trung Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu lớn của nước ta với kim ngạch lần lượt ước đạt 66,09 tỷ USD và 33,38 tỷ USD.
Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ tại các nước hoạt động tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Do vậy, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng khả quan.
Bên cạnh những thuận lợi, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đang đối diện với những khó khăn không nhỏ. Thêm vào đó, việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Bởi chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba. Đây là một trong những khó khăn, trở ngại rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Việc Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá; EC và Đài Loan (Trung Quốc) xem xét điều tra chống bán phá giá đối với một số nhóm hàng của Việt Nam là những diễn biến bất lợi cho xuất khẩu của nước ta sang các thị trường này.
Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương kiến nghị, các bộ, ngành và cơ quan hữu quan cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước. Các cơ quan liên quan cần tiếp tục cung cấp bổ sung lập luận về việc Việt Nam đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí kinh tế thị trường theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ để tiếp tục đề nghị Hoa Kỳ thực hiện cam kết về việc phối hợp mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Đồng thời, cần tiếp tục phát huy vai trò của các thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp trong thương mại quốc tế.
Bộ Công Thương cũng cho biết, cơ quan này sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào củng cố các thị trường lớn truyền thống; mở rộng các thị trường mới. Hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại để tiếp cận thị trường tiềm năng.
Các đơn vị của Bộ Công Thương rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn.
Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như: CPTPP, EVFTA, RCEP… nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương còn duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, tổ chức phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các FTA đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, tiện tra cứu, khai thác…