Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tại Chương trình Vietnam IT Day 2024 lần thứ 11 tại Tokyo, Nhật Bản.
Theo thống kê, đến nay, số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư mở văn phòng, công ty đại diện tại Nhật Bản đã lên tới hàng trăm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có hàng trăm, hàng nghìn lao động tại Nhật.
Dù trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức như đại dịch COVID-19, đồng Yên sụt giá..., doanh nghiệp IT Việt Nam vẫn kiên định tìm cách vượt khó, đồng hành toàn diện cùng các đối tác Nhật Bản trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt, nghiên cứu được những giải pháp tiên tiến, hữu ích.
Tại Chương trình, ông Noriya Tarutani, Phó Giám đốc Ban Đổi mới sáng tạo của JETRO cho hay, hàng năm có một số lượng đầu tư trực tiếp nhất định từ Nhật Bản vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đến năm 2023 có 59 khoản đầu tư, tương đương 20% tổng số.
Trong những năm gần đây, đã có những startup Nhật Bản thành lập cơ sở phát triển tại Việt Nam. Một số công ty đang chú ý đến các kỹ sư xuất sắc của Việt Nam và định vị Việt Nam là cơ sở R&D và phát triển các công nghệ tiên tiến như AI.
Ngược lại, đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và lĩnh vực công nghệ thông tin đang chiếm phần lớn hoạt động tư vấn của JETRO cho các công ty Việt Nam mở rộng sang Nhật Bản
Chủ tịch VINASA cho biết, trong 5-10 năm tới, chuyển đổi số hệ thống và ứng dụng AI; chuyển đổi số sản xuất - chuyển đổi xanh; nguồn nhân lực sẽ là ba hướng lớn trong hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với thị trường Nhật Bản... Cụ thể:
Thứ nhất, chuyển đổi số hệ thống và ứng dụng AI. Hiện tại, hầu hết các hệ thống công nghệ trong các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản trong các lĩnh vực trọng điểm như tài chính - ngân hàng, bán lẻ, năng lượng, logistics… vẫn đang sử dụng những hệ thống công nghệ được xây dựng từ hơn 2 thập kỷ trước. Điều này đang khiến các doanh nghiệp Nhật có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ trên toàn cầu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã và đang xây dựng được những giải pháp, hoàn thiện dịch vụ chuyển đổi số để hiện đại hóa hệ thống của các cơ quan, doanh nghiệp Nhật. Các doanh nghiệp Việt cũng đã nghiên cứu, triển khai sẵn sàng những mô hình AI để cùng các bạn nghiên cứu, ứng dụng giúp tối ưu hóa hệ thống, đưa ra mô hình sản xuất mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhật Bản.
Thứ hai, về chuyển đổi số sản xuất - chuyển đổi xanh. Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đều cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (NET ZERO) vào năm 2050. Đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất hai nước.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã sẵn sàng những giải pháp quản trị sản xuất, tối ưu hóa nguồn lực, năng lượng, các giải pháp đo kiểm và tối ưu carbon. Đây là sẽ trọng tâm hợp tác trong 10 - 20 năm tới. Đi trước là công nghiệp ô tô - automotive, một trong những ngành công nghiệp lớn, trọng tâm phát triển của cả Nhật Bản và Việt Nam
Thứ ba, sự sẵn sàng của nguồn nhân lực và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cho sự dịch chuyển của các đối tác Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang định hình rất rõ xu hướng dịch chuyển tới Việt Nam trong hầu hết các ngành.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các doanh nghiệp Nhật mong muốn chuyển dịch tất cả các tầng công việc, từ upstream đến downstream, từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất, kiểm thử. Mỗi năm dân số Nhật Bản giảm gần 1 triệu người, mỗi năm dân số Việt Nam tăng gần 1 triệu người. Ngành công nghệ thông tin Việt Nam có 1,5 triệu lao động, 55.000 - 70.000 kỹ sư công nghệ thông tin tốt nghiệp và gia nhập thị trường lao động hàng năm.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn doanh nghiệp có hàng chục ngàn lao động, hơn chục doanh nghiệp trên 1.000 - 5.000 lao động, hàng trăm doanh nghiệp quy mô 200 - 1.000 lao động đang phục vụ thị trường Nhật Bản.