Dưới đây là những tai nạn thường gặp ở trẻ mà bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) lưu ý các bậc phụ huynh phòng tránh:
Dị vật đường thở
Trẻ ăn dưa hấu có hạt dưa, hoặc cắn hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt giẻ, ngay cả kẹo mứt… đặc biệt khi trẻ ăn vừa cười giỡn hoặc khóc, dễ bị dị vật đường thở. Phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn có hạt này hoặc khi ăn phải lấy hết hạt ra.
Điện giật
Do những chùm đèn trang trí trên chậu cây cảnh, đèn hào quang, nhấp nháy ở các bàn thờ, hấp dẫn trẻ đến tò mò, sờ mó nên bị điện giật. Phòng ngừa bằng cách hạn chế trang trí đèn nhấp nháy hoặc để ở xa tầm với trẻ. Các ổ điện được che kín bằng các nút nhựa an toàn.
Bỏng
Vào ngày Tết, các gia đình thường dùng khăn trải bàn, trên đó để bình trà nóng hoặc phích nước sôi để châm trà, hoặc để các thức ăn nấu nóng hoặc hâm nóng trên bàn, trẻ bốc phải hoặc kéo khăn bàn làm rơi đổ, gây phỏng trẻ hay phụ huynh ủi đồ ngày Tết quên để bàn ủi nơi trẻ sờ tới được, gây phỏng. Phòng ngừa bằng cách hạn chế sử dụng khăn trải bàn hoặc phải cố định thật chắc để trẻ không thể kéo rơi đổ, ủi đồ xong, phải để bàn ủi xa tầm với của trẻ, tốt nhất có người giữ trẻ để không cho trẻ "phá".
Ngạt nước
Một số gia đình có hồ cảnh non bộ trong nhà gần chân cầu thang, trẻ có thể đến đó và té vào hồ hoặc vào buồng tắm, té vào xô nước hoặc bồn cầu, gây ngạt nước. Phòng ngừa bằng cách không thiết kế hồ kiểng trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ, xô nước bồn cầu được đậy nắp hoặc không chứa nước.
Uống nhầm, ăn nhầm
Trẻ có thể bò, đi quanh nhà và lấy bất cứ thứ gì cho vào miệng. Ví dụ: chai trà chanh đựng dầu, cồn xe nhang (rượu methanol), nước tro tàu (dung dịch KOH), thức ăn trộn thuốc diệt chuột, côn trùng, hoặc thuốc an thần, động kinh (phenobarbital, haloperidol…) dẫn đến ngộ độc có thể ảnh hưởng tính mạng trẻ. Phòng ngừa bằng cách không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát hoặc các hóa chất phải để xa tầm với và tầm "thấy" của trẻ.
Chấn thương
Các loại cây cảnh có gai, hoặc hoa mai giả gắn trên cành cây khô bằng dây kẽm sắc nhọn… dễ gây thương tích cho trẻ. Hay những chậu cảnh nhỏ để ở nơi cao trẻ với tới được, làm đổ va vào trẻ gây chấn thương. Cũng có trường hợp bình hoa, đồ vật để trên bàn có tấm khăn trải bàn dù trẻ không với tới được nhưng kéo khăn bàn làm rơi đổ các đồ vật trên bàn gây chấn thương trẻ.
Có trường trẻ nhỏ dưới 3 tuổi ngậm đũa, muỗng trong lúc ăn, chạy chơi bị té khiến chiếc đũa đâm vào thành sau họng. Hay một số trẻ bị chén sành vỡ cứa cổ trẻ làm đứt mạch máu lớn gây sốc mát máu... Vì vậy, ở nhóm tuổi này, phụ huynh nên đút cho trẻ ăn hoặc nếu để trẻ tự ăn phải có giám sát chặt chẽ.
Phòng ngừa chung nhất là luôn có người giữ trẻ, để ý trẻ và thiết kế trang trí ngôi nhà, môi trường trong nhà an toàn cho trẻ, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ mà quý phụ huynh cảm nhận, ý thức được.
Theo DNVN