Theo báo cáo của Bộ Công thương, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra.
Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010 (101,4 tỷ kWh). Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc đạt 209,77 tỷ kWh, tăng 2,46 lần so với năm 2010 (85,4 tỷ kWh). Bên cạnh đó, công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo được chú trọng và thực hiện vượt chỉ tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo.
Tính đến nay, 100% số xã và 99,52% các hộ dân, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước có điện.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy hoạch, phát triển ngành điện, như: Cơ chế chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ, chậm được đổi mới; nguồn lực đầu tư còn hạn chế và dàn trải; chất lượng xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch ngành điện chưa cao; các văn bản pháp luật liên quan đến cung ứng điện còn nhiều bất cập, mâu thuẫn…
Để phát triển ngành điện trong giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực; xây dựng cơ chế chính sách tài chính để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào nguồn điện; đẩy mạnh các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, an ninh năng lượng là vấn đề mang tính toàn cầu. Đến nay, nước ta đã xây dựng được một hạ tầng về năng lượng, một ngành công nghiệp năng lượng phát triển vượt bậc, toàn diện, cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng; đã ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ về khoa học, kỹ thuật; đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đông đảo trên tất cả các nhóm ngành khai thác, chế biến, công nghiệp và năng lượng.
Để bảo đảm an ninh năng lượng, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần triển khai các tuyến truyền tải điện đã được phê duyệt, có quy hoạch trên nguyên tắc đã có dự án nguồn điện cần phải có dự án đường truyền để điện đi từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ một cách tốt nhất. Xử lý triệt để vấn đề môi trường đang tồn tại ở các nhà máy. Khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thông qua quy hoạch của ngành năng lượng nói chung và quy hoạch sơ đồ điện VIII nói riêng, bảo đảm có tầm nhìn, có sự kế thừa sơ đồ điện VII điều chỉnh, có cơ cấu hợp lý, lấy hiệu quả làm chính, tránh tư tưởng cục bộ của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, sớm sửa đổi một số luật có liên quan bảo đảm sự thống nhất, tránh chồng chéo và tháo gỡ được khó khăn cho phát triển ngành năng lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, về cơ chế giá điện cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.
Theo Hoan Nguyễn
"https://thuonghieucongluan.com.vn/phat-trien-dien-luc-den-nam-2030-nham-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a112981.html"