Cùng với việc được ghi nhận là nền kinh tế có mức tăng trưởng dương và phục hồi khá nhất trong khu vực Đông Nam Á, có tổ chức còn đánh giá Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của COVID-19.
Để có cái nhìn rõ hơn về các đánh giá trên, đồng thời dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và năm 2021, phóng viên đã trao đổi với bà Phó Thị Kim Chi, Phó trưởng ban Dự báo Kinh tế vĩ mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thưa bà, gần đây nhiều tổ chức quốc tế đưa ra dự báo khá tích cực cho kinh tế Việt Nam, bà có thể nêu một số dự báo cụ thể?
Đúng là thời gian qua, rất nhiều các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo khả quan cho sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Cụ thể có thể kể ra một số dự báo của các tổ chức quốc tế lớn và uy tín dưới đây.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics được ủy quyền bởi ICAEW (The Institute of Chartered Accountants in England and Wales - Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales), triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam là tươi sáng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Báo cáo trên dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ giảm 4,2%. Báo cáo cũng nhấn mạnh các nền kinh tế kiểm soát tốt dịch bệnh như Thái Lan và Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines.
Trong khi đó, dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings cũng cho rằng, Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của COVID-19. S&P dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021.
Trước đó, Báo cáo Cập nhật Triển vọng và Phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 và tăng 6,3% trong năm 2021. Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.
Điều đáng nói là hều hết các dự báo đưa ra đều cho thấy triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam là khá trong khu vực. Trong khi nhiều nền kinh tế đang phải chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế dự báo có thể tăng trưởng âm hoặc thâm chí rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, các dự báo đều cho thấy mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn dương và triển vọng phục hồi là khá tích cực.
Vậy theo bà đâu là những điểm nhấn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về nền kinh tế Việt Nam?
Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nhằm thu hút FDI sau đại dịch; cùng với đó việc tích cực tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và từng bước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu… Đây là những điểm nhấn tích cực được các tổ chức quốc tế đánh giá về kinh tế Việt Nam.
Hầu hết các tổ chức quốc tế đã đưa ra những dự báo khả quan với nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phục hồi tăng trưởng khá nhất trong khu vực Đông Nam Á và là nền kinh tế duy nhất có thể tăng trưởng dương trong năm nay.
Báo cáo của ADB nhận định rằng, các nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay. ADB cũng nhấn mạnh kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam; sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.
Hầu hết các tổ chức quốc tế cũng cho rằng, việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.
Bà đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm?
Năm 2020, đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ luồng đầu tư, đứt gãy chuỗi thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trên nền kinh tế vĩ mô ổn định là một trong những thành tựu đạt được của kinh tế Việt Nam năm 2020.
Việt Nam đạt được điều này là do khả năng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, giải pháp thúc đẩy đầu tư công có những kết quả tích cực, tiêu dùng dân cư vẫn được duy trì, luồng vốn FDI trong xu hướng được cải thiện và thặng dư thương mại ở mức kỷ lục.
Tuy vậy, với mục tiêu ưu tiên tập trung ứng phó với bệnh dịch, đặt mục tiêu an toàn và tính mạng người dân lên hàng đầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 ước chỉ đạt khoảng 2,5%, mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Hoạt động của các doanh nghiệp đình trệ, đời sống người dân, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động bán thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Với năm 2021, nhiều ý kiến cho rằng các nền tảng kinh tế vĩ mô tuy có cơ hội nhưng vẫn còn không ít thách thức. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Dự báo bước sang năm 2021, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội. Kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh được kỳ vọng kiểm soát. Khu vực ASEAN được dự báo vẫn là khu vực kinh tế tăng trưởng cao và năng động nhất thế giới.
Với nền tảng vĩ mô khá ổn định và được đánh giá cao trong kiểm soát và đối phó với dịch bệnh, Việt Nam hiện đang có có lợi thế trong việc thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và kinh doanh quốc tế. Đây là một yếu tố quan trọng đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh và xung đột thương mại có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển vốn sang các thị trường tiềm năng.
Việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA cũng là điều kiện để Việt Nam có thể mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 và giai đoạn tới.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh còn có nhiều bất định, đặc biệt là ở nhiều nước đối tác thương mại đầu tư lớn của Việt Nam, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và thương mại trong nước. Các yếu tố giúp duy trì tăng trưởng kinh tế năm 2020, như việc thực hiện các gói cứu trợ các đối tượng người lao động và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng chưa mang lại nhiều hiệu quả; việc nâng cao tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn khó khăn, đầu tư tư nhân suy giảm; tâm lý tiêu dùng còn chưa ổn định làm giảm quy mô tiêu dùng.
Ngoài ra, nhiều ngành sản xuất truyền thống như dệt may và da giày, nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ đang đối mặt với nguy cơ suy giảm sản xuất do chuỗi cung ứng và tiêu thụ chưa được phục hồi; các biến động của môi trường quốc tế sẽ tác động đến Việt Nam nhanh hơn, sâu sắc hơn; những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết; những rủi ro phi truyền thống tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát dưới nhiều hình thức và mức độ ngày một khốc liệt.
Theo bà, chúng ta có thể dự báo như thế nào về kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021?
Theo kết quả nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu Ban Dự báo Kinh tế vĩ mô, mặc dù còn nhiều khó khăn và yếu tố bất định, nhưng đánh giá chung, năm 2021 sẽ là năm kinh tế thế giới bước vào thời kì phục hồi sau đại dịch. Các kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam được xây dựng dựa trên khả năng hồi phục của kinh tế thế giới và quyết tâm trong thực hiện chính sách cứu trợ nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19, dự báo theo 3 kịch bản tăng trưởng như sau:
Kịch bản cơ sở: Tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,77%, CPI trung bình khoảng 4,2%. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất hiện nay, diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch COVID-19 dần được khống chế. Ở kịch bản này, một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại. Tăng trưởng của Mỹ giả định đạt 1%; tăng trưởng của Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại với giả định tăng trưởng ở mức 5%. Giá dầu giữ ở mức thấp, tương ứng năm 2020 là 45 USD/thùng. Trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng ở mức 7%. Đóng góp của khu vực FDI dự kiến tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp nhằm duy trì thị trường tài chính tiền tệ, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Kịch bản cao: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 7,14%, CPI trung bình khoảng 4,5% năm 2021. Kịch bản này cũng có khả năng xảy ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh khi dịch bệnh trên thế giới hoàn toàn được khống chế. Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt khoảng 1,5%. Ở kịch bản này, kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021, quy mô nền kinh tế đạt trở lại như giai đoạn trước khi dịch COVID-19 diễn ra. Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ khởi sắc trở lại. Đầu tư khu vực nhà nước đạt 8%. Các yếu tố khác không đổi so với kịch bản cơ sở.
Kịch bản thấp: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 6,11%, CPI trung bình khoảng 3,8%. Kịch bản này ít có khả năng xảy ra, tuy nhiên nếu như các diễn biến về dịch bệnh trên thế giới còn tiếp tục phức tạp. Tăng trưởng kinh tế thế giới trì trệ và phục hồi chậm. Kinh tế Mỹ tiếp tục gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng ở mức thấp chỉ khoảng 0,5%. Trung Quốc cũng gặp khó khăn hơn trong phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm và gặp khó khăn trong năm 2021. Đầu tư khu vực nhà nước đạt 6%. Các yếu tố khác không đổi so với kịch bản cơ sở.
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo Quốc Huy
"https://thuonghieucongluan.com.vn/kich-ban-phuc-hoi-kinh-te-sau-dai-dich-covid-19-a114970.html"