Chính phủ vừa trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi kinh tế với quy mô gần 350.000 tỷ đồng trong kỳ họp Quốc hội bất thường. Trong đó có gói hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại với tổng giá trị 40.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia đánh giá, khi đi vào thực hiện, đây sẽ là gói hỗ trợ hết sức quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi, bởi trong thời gian qua, vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất là câu chuyện vốn để quay trở lại sản xuất, bắt nhịp với yêu cầu mới của thị trường.
Hỗ trợ cần đúng đối tượng thụ hưởng, tránh dàn trải
Vì thế, các doanh nghiệp và các chuyên gia đều bày tỏ mong muốn, gói hỗ trợ cấp bù lãi suất này cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi, các lĩnh vực bị thiệt hại nặng hoặc những lĩnh vực ưu tiên.
Nhiều chuyên gia cho rằng chương trình cần tập trung, tránh dàn trải và chỉ đầu tư cho những lĩnh vực chịu tác động của đại dịch COVID-19 hoặc giải quyết những vấn đề cấp bách, nút thắt để phục hồi kinh tế. Gói hỗ trợ chỉ nên dùng vào việc hỗ trợ chống đứt gãy, đảm bảo phát triển kinh tế, nhưng phải tránh nguy cơ như trước đây và đặc biệt là việc lợi dụng để trục lợi. Còn với nguồn vốn nhỏ mà dàn trải ra nhiều dự án, kéo dài nhiều năm thì sẽ không còn ý nghĩa phục hồi như mong muốn.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV bổ sung thêm trên VnEconomy, gói hỗ trợ phải có một quy trình cực kỳ rõ ràng. Rút kinh nghiệm năm 2009 thời điểm đó, quy trình, quy phạm không có và triển khai rất dàn trải, lạm phát leo thang hay đầu tư chệch hướng vào chứng khoán, bất động sản rất phức tạp.
Ngoài ra, cần hạch toán, quyết toán thông suốt, nhất là đối với hệ thống ngân hàng. Ngân hàng không thay đổi điều kiện tín dụng, không thay đổi hạn mức tăng trưởng tín dụng và không thay đổi lãi suất cho vay. Những đối tượng được ngân sách tài trợ lãi suất thì sẽ nhận từ ngân sách. Doanh nghiệp, hộ gia đình đều có quan hệ trực tiếp với ngân sách trong việc nộp thuế, quyết toán thuế hằng năm, có thể cấn trừ những khoản này, tránh đi vào bảng cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng vô cùng phức tạp.
Bứt tốc nhưng cần cẩn trọng
Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về mức độ rủi ro với thị trường. Bởi lẽ, với 40.000 tỷ đồng “vốn mồi”, trong 2 năm, lượng tín dụng ưu đãi chảy ra thị trường có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế thời điểm hiện tại. Đây là một con số rất lớn trong khi ngành ngân hàng vốn dĩ đang chịu rất nhiều áp lực.
Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chuyên gia Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, cho rằng, dù hướng tới phục hồi hay phát triển kinh tế thì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng vẫn là nền tảng, là thành trì bất khả xâm phạm của đất nước.
Ông Lộc nhận định, thực tế, áp lực lạm phát đang rất lớn. Áp lực nợ xấu cũng gia tăng. Trong suốt thời gian 2 năm qua, chúng ta có nhiều chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm chính sách tiền tệ. Bây giờ, dư địa chính sách chúng ta không còn nhiều, đặc biệt là dư địa trong chính sách ngân hàng.
Các biện pháp hỗ trợ đã cơ cấu lại nợ, giúp doanh nghiệp không nhảy nhóm để có thể tiếp cận gói tín dụng trong quá trình phục hồi, đồng nghĩa các doanh nghiệp được vay dưới chuẩn.
Còn ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ với báo chí, gói hỗ trợ quan trọng nhất là khả năng hấp thụ vốn. Gói tín dụng hỗ trợ cần thực hiện nhanh, bứt tốc nhưng không vì thế mà cho doanh nghiệp “yếu” vay, nếu không nợ xấu sẽ tăng nhanh.
Trước những lo lắng về gói hỗ trợ lãi suất, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lãi suất hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhưng tiền cho vay là tiền huy động của các tổ chức tín dụng, từ người dân cho vay. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết làm sao để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói này.