Tại Việt Nam, thị trường bán lẻ dược phẩm có tính phân mảnh rất cao, với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026.
Con số trên cho thấy nhiều dư địa phát triển chuyên nghiệp cho các đại gia bán lẻ. Những đơn vị này hứa hẹn sẽ làm thay đổi cuộc chơi của thị trường dược phẩm, đặc biệt là khi hiện nay chuỗi nhà thuốc hiện đại mới chỉ chiếm lĩnh 15% thị trường. Từ đó, các chuyên gia nhận định, thị trường dược phẩm Việt trong tương lai sẽ được dẫn dắt bởi "cuộc đua" mở chuỗi của các nhà thuốc hiện đại.
Trong "cuộc đua" mở rộng số lượng cửa hàng của các chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại, những cái tên như Long Châu, Minh Châu, An Khang, Pharmacity… đang được chú ý nhiều nhất.
Năm 2022, FPT Retail đã mở thêm tới 200 nhà thuốc Long Châu với quyết tâm giành thêm thị phần trên thị trường dược phẩm. Long Châu đã đạt hơn 1.000 cửa hàng và có kế hoạch mở 400 - 500 cửa hàng mới trong năm nay.
Một đối thủ nặng ký của FPT là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Đơn vị này tham gia thị trường dược phẩm khá muộn (năm 2017) nhưng tới nay chuỗi nhà thuốc An Khang đã đạt mốc hơn 530 cửa hàng trên toàn quốc. Thế nhưng, năm 2022, Thế Giới Di Động quyết định tạm dừng mở mới cửa hàng trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
So với hai "tay chơi" mới rẽ ngang sang thị trường dược phẩm như là FPT Retail và Thế giới Di Động, chuỗi nhà thuốc Pharmacity được coi là một cựu binh kỳ cựu với nhiều năm phát triển thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam.
Được thành lập vào năm 2011, Pharmacity hiện tại đang là thương hiệu hàng đầu trong ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam. Pharmacity có 1.148 cửa hàng trong năm 2022, tuy nhiên sau khi chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam này có tổng giám đốc mới hồi tháng 9/2022 đã thực hiện đóng cửa một số cửa hàng để tái cơ cấu.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Thành Công (TCSC), chuỗi An Khang và Pharmacity hoạt động thiên về mô hình CVS - cửa hàng tiện lợi trong lĩnh vực dược phẩm, tức là tập trung nhiều hơn cho hàng tiêu dùng nên thu hút được nhiều khách hàng hơn.
SSI Research nhấn mạnh, mức độ phủ sóng thần tốc của các chuỗi nhà thuốc lớn như Long Châu, An Khang và Pharmacity đã kích thích nhu cầu về dược phẩm trên toàn quốc. Và có thể nói, đây là những ông lớn đã sớm nhận diện cơ hội này và đang tăng tốc mở rộng quy mô, với tham vọng hợp nhất thị phần.
So với thị trường bán lẻ công nghệ và điện máy có dấu hiệu chững lại, thị trường bán lẻ dược phẩm dù một số nhà bán lẻ lớn cân nhắc có nên tiếp tục mở mới hay không thì vẫn sẽ tiếp tục có những cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp (DN) mới cũng đang bước chân vào lĩnh vực này.
Chính sức hấp dẫn này nên ngoài FRT, một nhà bán lẻ công nghệ khác là CTCP Thế Giới Số (Digiworld) trong năm nay dự tính sẽ lấn sân mạnh mẽ sang lĩnh vực phân phối dược phẩm với mục tiêu trở thành DN bán lẻ dược phẩm top đầu tại Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian qua, các “ông lớn” trong ngành bán lẻ dược phẩm trong nước đã không còn ở trạng thái “tìm hiểu” hay “thăm dò” thị trường nữa mà bắt đầu có sự tăng tốc, chạy đua để chiếm lĩnh thị phần của lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng không thiếu sự cạnh tranh quyết liệt. Mặc dù kèm theo đó là phải chấp nhận “đốt” hàng trăm tỷ đồng vào việc mở rộng, nhưng có vẻ những khoản lỗ này đều nằm trong kế hoạch của đơn vị. Với việc giữ được vị thế dẫn đầu, cùng nền tảng về tài chính vững vàng, các khoản lợi nhuận nghìn tỷ sẽ sớm về tay doanh nghiệp.
Trên một đường đua khốc liệt như hiện nay, chỉ những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh hợp lý, ứng dụng công nghệ hiệu quả, tối ưu được chi phí cùng khả năng quản lý bài bản, và đặc biệt phải có nền tảng tài chính vững vàng mới có thể chiến thắng.