Halal là thị trường dành cho người Hồi giáo, có tiềm năng rất lớn về quy mô, dân số với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt hơn 6%. Dân số Hồi giáo được dự đoán sẽ tăng từ 1,8 tỷ người năm 2017 lên con số 3 tỷ vào năm 2060.
Ngành công nghiệp Halal là ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, gồm thực phẩm và đồ uống, tài chính, thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch và giải trí...
Riêng mảng thực phẩm Halal là thị trường đang phát triển với tốc độ rất nhanh, nó được dự báo sẽ đạt giá trị hàng nghìn tỷ USD vào năm 2030. Thị trường này được tăng trưởng bởi sự phát triển dân số Hồi giáo toàn cầu cũng như nhu cầu về các sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Điều này đã mang đến những cơ hội to lớn cho nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, có thể tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal như vị trí địa lý thuận lợi, thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu là rất lớn, không chỉ đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển du lịch, mà còn mở ra việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh về dược phẩm, mỹ phẩm… và thu hút đầu tư vốn, tài chính của các tập đoàn quốc tế, khu vực vào Việt Nam. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp, địa phương Việt Nam nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển… đạt tiêu chuẩn Halal.
Mặc dù thị trường này đầy tiềm năng và cơ hội nhưng để tiếp cận và thâm nhập vào thì doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức cần phải vượt qua. Vì thị trường Halal được đánh giá là khó tính khi các sản phẩm của thị trường này luôn gắn liền với những quy định đặc thù và nghiêm ngặt của Islam.
Rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam trước hết đến từ sự hiểu biết chưa đầy đủ về văn hóa Islam, nhất là những vấn đề, nội dung liên quan đến các khía cạnh về văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp thường gặp vấn đề về nuôi trồng đến chế biến, bảo quản và mẫu mã, thương hiệu sản phẩm chưa phù hợp với văn hóa Islam và không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Halal.
Do đó, điều tiên quyết là doanh nghiệp cần hiểu rõ và nắm vững các tiêu chuẩn Halal do tổ chức chứng nhận mà doanh nghiệp lựa chọn. Tiêu chuẩn bao gồm các yêu cầu khắt khe về nguyên liệu, quy trình sản xuất, hệ thống quản lý và các khía cạnh khác liên quan đến sản phẩm và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, nguyên liệu sản xuất phải được phép sử dụng theo luật Hồi giáo và quy trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tuân thủ các nguyên tắc của thị trường này.
Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Halal, bao gồm các quy trình kiểm soát nguyên liệu đầu vào, sản xuất, lưu kho, vận chuyển và phân phối sản phẩm, đòi hỏi doanh nghiệp cân nhắc và lựa chọn tổ chức phù hợp với nhu cầu, thị trường mục tiêu và năng lực (tài chính và điều kiện của mình) đáp ứng chứng nhận.