Cụ thể, Việt Nam đã nhập 64.240 tấn thịt lợn, trị giá 144 triệu USD, các sản phẩm đa dạng từ thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đến phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn…
Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam được nhập khẩu từ 32 thị trường trên thế giới, trong đó Brazil chiếm 38,5% tổng lượng nhập khẩu, Nga chiếm 30,8%, Canada chiếm 9,1%, Đức chiếm 5,6%, các thị trường khác chiếm 15,9%...
Trong khi đó, lượng thịt lợn xuất khẩu chỉ ở mức 6.370 tấn, trị giá 37,4 triệu USD, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước ở cả lượng và giá trị. Sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu chủ yếu thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh.
Con số này còn khá khiêm tốn trong quy mô chăn nuôi lợn của Việt Nam. Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, sản lượng thịt lợn xuất chuồng của cả nước đạt 2,54 triệu tấn.
Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, chăn nuôi lợn đang bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết, việc xuất khẩu thịt lợn của nước ta là rất khó khăn do Việt Nam vẫn chưa được Tổ chức Thú y Thế giới công nhận là nước an toàn dịch bệnh.
Trong báo cáo mới đây, Cục Chăn nuôi cho biết chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ. Dịch bệnh trên đàn lợn như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng... vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát.
Trong khi đó, việc chăn nuôi an toàn sinh học chưa được chủ trang trại thực sự quan tâm để triển khai thực hiện từ trước, trong và sau quá trình chăn nuôi. Điều này đặc biệt xảy ra ở khu vực chăn nuôi nông hộ hoặc trang trại quy mô nhỏ và vừa.
Cùng với đó ngay cả khi đã triển khai, chăn nuôi an toàn sinh học trong các cơ sở chăn nuôi lợn vẫn chưa đảm bảo dẫn đến dịch bệnh xảy ra phức tạp, đặc biệt là tại các trang trại quy mô nhỏ và nông hộ. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ còn chiếm tỷ trọng cao, bố trí chuồng trại trong khu dân cư, sát với nhà ở. Do vậy, dịch bệnh truyên nhiễm nguy hiểm trên lợn vẫn xảy ra khá thường xuyên và đe dọa sự bền vững của ngành chăn nuôi lợn.
Bên cạnh vấn đề an toàn dịch bệnh, chi phí nuôi lợn ở Việt Nam vẫn còn cao, chủ yếu đến từ giá thành thức ăn chăn nuôi và con giống.
Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và nguyên liệu thực ăn chăn nuôi. Theo đó, hiện vẫn chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành. Hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu (để sản xuất khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp), còn lại 65% phải nhập khẩu.
Chia sẻ với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết chi phí lợn hơi trong nước cao đến mức giá thịt lợn hơi của nhiều nước Nam Mỹ thậm chí thấp hơn so với thịt lợn xẻ của Việt Nam (thịt lợn đã qua giết mổ). Chi phí nguyên liệu thức ăn vốn đã cao do phụ thuộc vào nhập khẩu, lại phải qua nhiều đại lý và khâu trung gian, giá càng cao hơn.
“Nếu sản xuất trong nước không chuyên nghiệp, bài bản thì thậm chí có nguy cơ mất cả thị trường nội địa chứ chưa nói đến chuyện xuất khẩu. Ngành chăn nuôi Việt Nam cần giải quyết hai vấn đề là an toàn dịch bệnh và giá thành thấp thì mới có thể xuất khẩu được”, ông Trọng cho biết.