Truy tìm nguồn gốc thuốc trị hen suyễn bị làm giả bán trong nhà thuốc

24/07/2025 09:32

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện một lô thuốc trị hen suyễn mang nhãn hiệu Theophylline extended-release tablet (Theophylline 100mg) là thuốc giả, được phát hiện tại cơ sở kinh doanh dược phẩm tại tỉnh Đồng Nai.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Đồng Nai, mẫu thuốc bị phát hiện có ghi trên nhãn: “Theophylline extended – Release tablets 100 mg (Theophyllin 100 mg)”, số lô 05089, ngày sản xuất 02/3/2022, hạn dùng 02/3/2026, đơn vị sản xuất ghi là Pharmacy Laboratories Plus (Warszawa). Tuy nhiên, sản phẩm không có thông tin về số đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu, cũng như tên cơ sở nhập khẩu – đây là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định về dược phẩm lưu hành tại Việt Nam.

Đáng lo ngại, mẫu thuốc được phát hiện tại Công ty TNHH MTV Phòng khám đa khoa Mỹ Anh (Nhà thuốc Mỹ Anh) – một cơ sở bán lẻ thuốc tại tỉnh Đồng Nai (trước đây thuộc tỉnh Bình Phước). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng: hàm lượng hoạt chất Theophylline trong thuốc chỉ đạt 19,71% so với mức ghi trên nhãn, và độ hòa tan chỉ đạt từ 18,8–22,5%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn dược điển. Cục Quản lý Dược xác định đây là thuốc giả, không đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cho người sử dụng.

Theophylline là hoạt chất thường dùng trong điều trị các bệnh lý về đường hô hấp như hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang… Việc sử dụng thuốc giả không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Trước sự việc nghiêm trọng trên, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẩn trương vào cuộc thanh tra, truy xuất nguồn gốc lô thuốc giả, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kinh doanh, phân phối sản phẩm vi phạm. Đồng thời, các Sở Y tế trên cả nước được yêu cầu tăng cường kiểm tra, thông báo rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân để không mua bán, sử dụng sản phẩm nói trên.

Người dân và các cơ sở dược được khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng thuốc Theophylline extended-release tablet 100mg ghi nhãn như trên, và cần kịp thời báo cáo các trường hợp nghi ngờ thuốc giả hoặc thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế địa phương hoặc cơ quan chức năng.

Đây không phải là lần đầu tiên thuốc Theophylline bị phát hiện làm giả. Trước đó, vào tháng 5/2025, cơ quan chức năng Hà Nội đã phát hiện một mẫu thuốc mang nhãn hiệu Theophylline extended-release tablet (200mg), số lô 21127, sản xuất ngày 26/2/2022, hạn dùng đến 26/2/2026, được bán tại Nhà thuốc An An. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng thực tế của Theophylline chỉ đạt 12,6 mg – tức chỉ bằng 6,3% so với hàm lượng ghi trên nhãn.

Tháng 12/2024, Cục Quản lý Dược cũng đã từng đưa ra cảnh báo về một loại thuốc giả ghi nhãn “Theophylline 200mg”, sản xuất tại cùng địa chỉ giả mạo “Pharmacy Laboratories Plus (Warszawa)”, không có thông tin giấy phép nhập khẩu hay lưu hành.

Việc liên tiếp phát hiện các lô thuốc trị hen suyễn làm giả cho thấy các đối tượng vi phạm đang cố tình nhắm tới nhóm thuốc điều trị phổ biến, có nhu cầu sử dụng cao. Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân chỉ nên mua thuốc tại các cơ sở đạt chuẩn GPP (Thực hành tốt nhà thuốc), kiểm tra kỹ nhãn mác, bao bì và nguồn gốc trước khi sử dụng.

Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ vững niềm tin người dân vào hệ thống dược phẩm chính thống tại Việt Nam.

Nguyễn Kiên