Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng sữa tại Việt Nam ngày càng tăng cao, cùng với việc hàng loạt nhãn sữa giả bị cơ quan chức năng phát hiện, thị trường sữa đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các thương hiệu sữa ngoại.
Trong các quốc gia có lượng sữa nhập khẩu lớn từ Việt Nam, New Zealand tiếp tục dẫn đầu với tổng kim ngạch gần 126 triệu USD, tăng vọt tới 103,6%.
Không chỉ có New Zealand, Australia và Ireland cũng lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ: 32,3% và 48%. Các quốc gia châu Âu như Đức (tăng 58%), Pháp (tăng 2,7%) hay cả Thái Lan (tăng 25,1%) đều chứng kiến kim ngạch sữa xuất khẩu vào Việt Nam tăng đáng kể.
Ngược lại, trong quý I/2025, Mỹ – từng là nguồn cung quan trọng – chứng kiến sự lao dốc thê thảm, giảm 45,8% chỉ còn hơn 19 triệu USD. Từ vị thế dẫn đầu, Mỹ nay chỉ còn chiếm gần 6% tổng thị phần nhập khẩu sữa của Việt Nam.

Ảnh minh họa: Internet
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), tháng 4/2025, người Việt tiêu thụ khoảng 132.297 lít sữa tươi, tương đương hơn 3.600 tỷ đồng. So với tháng trước, sản lượng tăng nhẹ 0,2%, nhưng giá trị lại giảm 0,7% – một tín hiệu cho thấy áp lực giá hoặc xu hướng dịch chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng tiêu thụ sữa tươi đạt 544.652 lít, trị giá 15.237 tỷ đồng. Đối với sữa bột – mặt hàng có biên lợi nhuận cao – tình hình ảm đạm hơn: tiêu thụ giảm 0,9% về lượng và giảm tới 36,5% về trị giá so với tháng 3. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, lượng sữa bột tiêu thụ đạt 74.167 tấn (với trị giá 3.113 tỷ đồng).
Sự gia tăng nhập khẩu sữa không chỉ phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn cho thấy sự đa dạng hóa nguồn cung của các doanh nghiệp Việt Nam. Các thương hiệu ngoại như Abbott (Mỹ), Aptamil (Pháp), FrieslandCampina (Hà Lan) đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường qua các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử – nơi người tiêu dùng dễ dàng so sánh giá cả, chất lượng và đánh giá.
Tuy nhiên thách thức lại đặt ra với các doanh nghiệp sữa trong nước như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các thương hiệu ngoại. Mặc dù Vinamilk vẫn giữ vị trí dẫn đầu thị trường với gần 50% thị phần, nhưng đang đối mặt áp lực từ sự cạnh tranh và chi phí nguyên liệu tăng cao.
Hiệp hội sữa Việt Nam đánh giá, thị trường sữa hiện cạnh tranh rất gay gắt trước sự đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu sữa ngoại. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Điều này đặt ra những thách thức đối với doanh nghiệp sữa trong nước trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.