Giải cứu nông sản: Lòng trắc ẩn... giữa cơ chế thị trường

02/04/2020 17:21

Những ngày qua, do dịch bệnh Covid-19, đã có nhiều cuộc giải cứu nông sản diễn ra từ thanh long, dưa hấu đến... tôm hùm. Thị trường nông sản Việt Nam tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bất bình thường, cần tổ chức lại sản xuất và phân phối, mở rộng thị trường.

 "Căn bệnh" trầm kha

“Giải cứu nông sản” - cụm từ ấy năm nào cũng được lặp lại vài ba lần. Bên cạnh sự ca ngợi tinh thần nhân văn, tương thân tương ái của người Việt thì người ta bắt đầu lo nghĩ về sự không bình thường đang tồn tại giữa thời buổi kinh tế thị trường sôi động.

Sản xuất kinh doanh không thể dựa vào “sự thương hại” và càng không thể bền vững nếu cứ liên tiếp mất thế chủ động. Câu hỏi đặt ra, giải cứu nông sản hay là tái cơ cấu nông nghiệp?. Nông sản Việt Nam đang cần một bài toán giải cứu toàn diện đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ.

Mười năm qua, người Việt đã giải cứu đủ các mặt hàng nông sản, từ bình dân đến cao cấp. Ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid 19 đã đẩy nông sản Việt đến đỉnh điểm của sự giải cứu. Nhà nhà giả cứu, người người giải cứu. Thay vì những chuyến xe xếp hàng nơi cửa khẩu thì ở Thủ đô và các thành phố lớn, đoàn xe nông sản ùn ùn kéo về chờ giải cứu. 

Nhưng rồi, sau thời gian đầu, không chỉ nhà nông và các chủ hàng mà bản thân cơ quan quản lý, nhà phân phối lẫn người tiêu dùng đều không mặn mà với điệp khúc giải cứu này. Bởi tất cả chỉ là giải pháp tạm thời.

Người tiêu dùng Việt Nam có quyền sử dụng những sản phẩm chất lượng

Thủ tướng Chính phủ rất nhiều lần nhấn mạnh đến việc không được bỏ quên thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Hay cách đây mấy năm, trong cuộc đối thoại với nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý nhiều vấn đề “trước khi gieo hạt”.

Ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Người nông dân vẫn chưa biết đi đâu, về đâu, làm thế nào để xác lập một thị trường bền vững cho đầu ra của các mặt hàng của mình. Kể cả cơ quan chức năng cũng lúng túng trong vấn đề quản lý, phát triển nông nghiệp như thế nào để mang lại lợi ích cho những người làm nông nghiệp.

Nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ không giữ được những người đang quan tâm đến ngành nông nghiệp, kể cả nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Thất bại của người nông dân chính là thất bại của các doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ nông sản.

Trở lại điệp khúc “giải cứu” nông sản, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên chấm dứt giải cứu khi đến một ngưỡng nào đó chứ không thể áp dụng mãi được. Căn bệnh mãn tính đó cũng kéo dài cả chục năm nay, nếu cứ tiếp tục giải cứu thì nó sẽ còn lây lan ra nữa, làm hại cả ngành nông nghiệp Việt Nam.

Còn theo tư lệnh ngành nông nghiệp thì, thời điểm này, chúng ta cần nhìn nhận và xác định tập trung tái cơ cấu vùng hàng hoá, chế biến sâu, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới.

Ở vào thời điểm giải cứu tôm hùm, có nhà báo đã phải thốt lên đầy xót xa rằng: Chẳng lẽ giải cứu tôm hùm là cho tôm hùm vào nồi lẩu? Ai tâm huyết với ngành nông sản thật không khỏi trăn trở với câu hỏi đó.

Và quyền lợi xứng đáng của người tiêu dùng

Người tiêu dùng Việt Nam có quyền sử dụng những sản phẩm chất lượng, chính thống, lâu dài chứ không phải những mặt hàng chỉ có tính “giải cứu”, dư thừa.

Một thực tế là, thị trường nội địa gần 100 triệu dân có lúc đã bị bỏ quên. Lâu nay, những gì đặc sản, ngon hầu hết đều dành cho xuất khẩu. Hàng loại một đều xuất đi còn lại từ loại hai trở đi mới phục vụ thị trường nội địa. Thế nên, chỉ cần khi thị trường Trung Quốc gặp vấn đề là những phong trào giải cứu lại xuất hiện, dần dần trở thành một tiền lệ. Hết giải cứu thanh long, dưa hấu đến khoai lang, trứng và nay cả hàng cao cấp như tôm hùm.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, cái gì ngon nhất, an toàn nhất thì để tiêu thụ nội địa, còn những hàng hóa loại hai mới xuất đi các nước, trong khi ở Việt Nam thì ngược lại. Rõ ràng, nếu so sánh, chúng ta đang thấy sự mâu thuẫn rất lớn. Một thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, chúng ta đang sở hữu những loại trái cây rất giàu chất dinh dưỡng, giàu các loại vitamin và bổ dưỡng chỉ có ở Việt Nam, chúng ta lại không thể tận dụng. Liệu lợi nhuận thu được từ xuất khẩu nông sản đã thật sự xứng đáng?.

Hai khâu yếu nhất của ngành nông nghiệp là chế biến và tổ chức thị trường. Việc “giải cứu”, hỗ trợ tiêu thụ chỉ nên coi là giải pháp tạm thời. Đằng sau những cuộc 'giải cứu' nông sản đang là vấn đề liên kết sản xuất tiêu thụ, khai thác thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT, các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cần phải tập hợp nhau lại, bằng cách vào các hợp tác xã kiểu mới, giống như mô hình một doanh nghiệp.

Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò của người tiêu dùng, lợi ích sát sườn của người tiêu dùng trong mỗi chiến lược về phát triển ngành nông nghiệp. Đừng để quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam theo mãi những chuyến xe nông sản như hàng chục năm vẫn diễn ra.

Theo Hà Trần

"https://thuonghieucongluan.com.vn/giai-cuu-nong-san-long-trac-an-giua-co-che-thi-truong-a92396.html"