Chia sẻ tại Hội thảo Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 12/12, TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tăng trưởng năm 2024 có sự bứt phá lớn, thậm chí có thể đạt 7,25% cả năm. Trước đó, các số liệu tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ước tính GDP năm 2024 tăng 7,06% nhưng hiện đã nâng mức dự báo.
Trong năm 2024, Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo có trọng điểm, cầu thế giới đối với hàng hoá Việt Nam, nhờ đó tạo ra sự bứt phá tăng trương trưởng trong năm 2024 bất chấp diễn biến địa chính trị phức tạp, thị trường lớn từ 16 Hiệp định thương mại tự do FTA,…
Các chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra từ đầu năm hầu hết đạt được và vượt kế hoạch. Duy chỉ có tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP sẽ là thách thức rất lớn bởi 9 tháng năm nay, tỷ lệ này mới là 29,84% trong khi mục tiêu cả năm là 35%.
Hiện nay, vốn đầu tư công mới chỉ giải ngân được hơn 73%, tổng vốn đầu tư công 11 tháng mới đạt được 54%. Vì vậy, chỉ còn một tháng nữa thì rất khó để đạt được mục tiêu giải ngân trên 95% mà Chính phủ đề ra.
Nền kinh tế Việt Nam, theo TS. Lương Văn Khôi, đang từng bước chuyển dịch từ tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên khai thác lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, sang tăng trưởng theo chiều sâu với sự đóng góp ngày càng lớn của năng suất lao động.
Mặc dù vậy, các ngành xuất khẩu trọng điểm như dệt may, da giày và điện tử vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, với hiệu quả chỉ đạt khoảng 50% xét theo hiệu quả kỹ thuật và quy mô. Điều này khiến tỷ trọng giá trị gia tăng bị tổn thất lên tới 1,8% GDP.
Nếu khắc phục được các yếu tố nội tại như trình độ quản lý, khoa học công nghệ và con người, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư và khả năng ứng phó trước các cú sốc toàn cầu, GDP có thể tăng thêm 1,8%, giúp Việt Nam tiệm cận mức tăng trưởng hai con số.
Năm 2024 khả năng kim ngạch xuất nhập khẩu của hàng hoá Việt Nam ước đạt 800 tỷ USD, kỳ vọng tăng mạnh hơn năm 2025. Dù tăng trưởng kinh tế của 5 nền kinh tế đối tác lớn sẽ cải thiện và suy giảm đan xen, nhu cầu hàng hoá thế giới, đặc biệt 5 đối tác lớn sẽ tăng mạnh. Do đó, năm 2025, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn có sự bứt phá về tăng trưởng.
Một số động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 được đại diện CIEM chỉ ra. Trong đó, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm 2025. Đồng thời, cả ba khu vực kinh tế vẫn đang tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn. Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước. Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết. Chính phủ và các địa phương cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc điều hành, khi năm 2025 không chỉ là năm "về đích" của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, mà còn là bước đệm quan trọng cho giai đoạn 2026-2030.
Các động lực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, AI hay việc 63 tỉnh thành triển khai đồng loạt các quy hoạch trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế,… sẽ là những yếu tố đóng góp cho tăng trưởng. Với sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp, cùng những chính sách hỗ trợ và quyết tâm cải cách từ Chính phủ, kinh tế Việt Nam trong năm 2025 không chỉ đạt được mục tiêu đề ra mà còn tạo ra những bứt phá quan trọng, hướng tới sự phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu.