Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt hơn 5,6 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2023.
Về nhập khẩu rau quả, từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, xuất siêu rau quả sau gần 9 tháng là khoảng 4 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, với sầu riêng là sản phẩm chủ lực, đạt giá trị 2,5 tỷ USD. Các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.
Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng năm 2024 đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35-90%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối và xoài Việt Nam. Tại Mỹ, nông sản Việt cũng có sự thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường này 9 tháng qua.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, từ nay đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhất là trong điều kiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Các Nghị định thư này sẽ là yếu tố mới thúc đẩy xuất khẩu rau quả của Việt Nam, bên cạnh nhu cầu rau quả của thị trường thế giới cũng gia tăng vào quý cuối năm, nhất là đối với mặt hàng sầu riêng và dừa sang thị trường Trung Quốc.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành được đăng ký mã số vùng trồng để doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Còn với mặt hàng dừa, đây là sản phẩm vừa được công nhận là cây công nghiệp “chủ lực” và cũng ký được nghị định thư xuất khẩu qua Trung Quốc - thị trường đang nhập khẩu khoảng 500 triệu USD dừa mỗi năm. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu tham gia kịp thời, Việt Nam có thể xuất khẩu dừa tươi/dừa dùng trong chế biến thực phẩm với giá trị khoảng 200 triệu USD/năm cho Trung Quốc.