Tại Toạ đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam năm 2024 (VILOG 2024), ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân. Logistics đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Theo đánh giá của Agility năm 2023, Việt Nam xếp thứ 10 trong Top 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành logistics Việt Nam cần bắt kịp với xu hướng xanh của thị trường bởi để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), “xanh hoá” không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hoá thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu.
Báo cáo Logistics 2022 cho biết, có tới 73,2% doanh nghiệp cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ; gần 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết họ có thực hiện kiểm soát môi trường tại doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính như Lazada, Grab hay Bưu điện Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Có thể kể đến việc tiết giảm số lượng thùng carton, chuyển sang dùng 100% bao bì tái chế hay giảm rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay…
Trên thực tế, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định, nghị định, chương trình hành động… về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững ở trên tất cả các loại hình như vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không, thuỷ nội địa đã được Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành. Hành lang pháp lý thuận lợi với lộ trình thực hiện cụ thể đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý đối với phát triển bền vững, trong đó có phát triển logistics xanh tạo động lực chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp trong ngành.
Theo đại diện VLA, nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.