Logistics là lĩnh vực liên quan đến hoạt động dịch vụ, có vai trò quan trọng trong việc duy trì kết nối và thúc đẩy các dòng chảy kinh tế, thương mại, đặc biệt là thương mại hàng hóa, dịch vụ.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), có tới 37% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu là do vận tải, một trong những khâu quan trọng nhất của hoạt động hậu cần. Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh dự kiến sẽ tăng gấp 3 nhu cầu vận chuyển hàng hóa vào năm 2050, dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính tăng gấp đôi. Trong bối cảnh mới, phát triển bền vững và bao trùm là xu hướng của mọi nền kinh tế, phát triển logistics xanh đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ở nhiều nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, logistics xanh vẫn đang là một khái niệm tương đối mới. Khái niệm và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động logistics xanh chưa được hiểu đầy đủ và chính xác. Vì vậy, để thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững tại Việt Nam, điều quan trọng là phải hiểu bản chất và vai trò của logistics xanh.
Bên lề Hội thảo APEC về Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững, chia sẻ với báo chí, ông ông Ngô Khắc Lê - Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp họ đang hiểu không đúng về khái niệm logistics xanh. Họ trồng cây, trồng hoa… trong doanh nghiệp và coi đó là logistics xanh. Hoặc các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại học theo cách làm logistics xanh của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn...
Nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về câu chuyện xanh hóa ngành logistics là một trong những thách thức đối với tiến trình xanh hóa logistics.
Thứ hai là nguồn lực về tài chính. Thứ ba là thách thức về trình độ, năng lực, trong đó quan trọng là vấn đề con người. Thứ tư là vấn đề về công nghệ thông tin và thứ năm là cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh hiện nay nếu các doanh nghiệp không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.
Để ngành logistics xanh và tăng trưởng bền vững, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, khó ở đâu gỡ ở đó. Đầu tiên là phải thay đổi nhận thức về khái niệm logistics xanh. Phải truyền thông liên tục, duy trì thường xuyên. Song chỉ truyền thông thì không đủ mà cần sự vào cuộc đồng hành hành của Chính phủ, các cơ quan quản lý, trong đó cần những chính sách cụ thể, rõ ràng, ví dụ như về chính sách thuế...
Ông Ngô Khắc Lê đề xuất, khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn nữa giao thông đường thủy nội địa, đường ven biển... vừa tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, vừa giảm khí phát thải từ các phương tiện vận chuyển. Cùng đó, doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam mà là yêu cầu của cả thế giới về một xu hướng chung, do đó, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự tìm hiểu và tự cứu mình, vừa giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa xây dựng hình ảnh, thương hiệu đẹp, uy tín hơn với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, từ đó, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn.
Bà Rebecca Orme - Giám đốc điều hành pháp lý khu vực Đông Nam Á của Fedex Express cho rằng, trước hết các quốc gia, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp xây dựng hệ sinh thái logistics xanh, không chỉ dừng lại ở trong phạm vi một nước mà còn vươn ra khu vực và toàn cầu.
Theo đó, cần gia tăng điện khí hoá ở các nền kinh tế mới nổi bằng cách gia tăng xe điện trên toàn cầu. Hiện đại hoá máy bay và giảm lượng carbon, đây là một chiến lược quan trọng để đạt được tiến bộ và liên quan đến việc thay thế các mẫu máy bay cũ bằng các mẫu máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn, và các chiến lược loại bỏ và lưu trữ lượng carbon dư thừa.
Đầu tư năng lượng bền vững, tăng hiệu quả của các toà nhà và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để sạc và cung cấp năng lượng cho các cơ sở. Đồng thời đưa ra giải pháp năng lượng tái tạo, quá trình và hợp tác đa thức cũng như giải pháp kỹ thuật số và công nghệ bền vững.