Viện Milken (tổ chức tư vấn kinh tế độc lập có trụ sở tại Santa Monica, California, Mỹ) vừa công bố Chỉ số cơ hội toàn cầu (GOI - Global Opportunity Index). Sau 10 năm, GOI được xem là công cụ dự báo về FDI khi giải thích được gần 65% sự thay đổi của dòng vốn này và gần 52% vốn đầu tư gián tiếp bình quân đầu người vào các quốc gia trên thế giới.
Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam xếp thứ 65 trên 129 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn cầu. Nếu xét trong số các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển của châu Á, Việt Nam đứng thứ 5. Hiện Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc đang dẫn đầu ở nhóm này.
Các nước được phân tích 100 thành tố thuộc 5 nhóm tiêu chí: nhận thức kinh doanh; yếu tố kinh tế nền tảng; dịch vụ tài chính; khuôn khổ thể chế; tiêu chuẩn và chính sách quốc tế.
Thực tế, các năm trở lại đây, Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến ưa thích của nhà đầu tư ngoại. Năm 2023, Việt Nam thu hút 36,61 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 32% so với 2022 và là mức cao thứ 3 trong 15 năm gần đây, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vốn thực hiện đạt kỷ lục với khoảng 23,18 tỷ USD. Hai tháng đầu năm nay, dòng vốn ngoại vẫn tích cực đổ bộ, đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
So sánh với các khu vực, nhóm châu Á đang được đánh giá cao hơn trong bảng xếp hạng GOI 2024. Giai đoạn 2018-2022, một nửa dòng vốn dành cho các nước mới nổi và đang phát triển trên toàn cầu đã chảy vào châu Á. Dù vậy, dòng vốn vào khu vực cũng bị ảnh hưởng đáng kể trước căng thẳng Mỹ - Trung, giảm 75,4% vào năm 2022.
Báo cáo của Viện Milken cũng cho biết 4 trong 5 điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư là châu Âu. Đan Mạch đứng đầu bảng xếp hạng năm nay, đạt điểm đầu tiên về nhận thức kinh doanh, thước đo mức độ dễ dàng kinh doanh ở một quốc gia cũng như các chỉ số khác. Sau Đan Mạch lần lượt là Thụy Điển, Phần Lan, Mỹ, Anh.
Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - tăng một bậc so với xếp hạng năm ngoái, lên vị trí thứ 4. Mỹ đạt thứ hạng cao nhất thế giới về khung thể chế, nhóm tiêu chí đo lường mức độ bảo vệ mà các thể chế của một quốc gia mang lại cho các quyền và tài sản của nhà đầu tư. Mỹ xếp thứ 5 thế giới về dịch vụ tài chính - nhóm tiêu chính đánh giá hệ thống tài chính nói chung cũng như mức độ dễ dàng về mức độ tiếp cận tài chính tại một quốc gia.
Đứng ở vị trí thứ ba trong xếp hạng chung, Phần Lan đạt vị trí cao nhất thế giới ở nhóm tiêu chí tiêu chuẩn và chính sách quốc tế. Đây là nhóm tiêu chí về độ mở của nền kinh tế và mức độ phù hợp của chính sách một quốc gia với các tiêu chuẩn về giám sát và bảo vệ tài sản trí tuệ toàn cầu.