Mới chỉ có 3 doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ”, với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 7.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong các doanh nghiệp đang hoạt động, có một số doanh nghiệp đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN, song số doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận vẫn còn thấp.
Tính đến nay, Thừa Thiên Huế mới chỉ có 3 doanh nghiệp KH&CN được thành lập và có hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo đó là: Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn kỹ thuật CSC, Công Ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ & Sản xuất Minh Nhật Việt và Công ty TNHH Nghiên cứu, Ứng dụng KHCN và Môi trường An Sinh.
Điều đáng nói là trong thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ thông qua việc tự nghiên cứu, dành những nguồn lực xứng đáng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp KH&CN được thành lập còn khá khiêm tốn so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Nhằm giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Sở KH&CN Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thành lập doanh nghiệp KH&CN.
Doanh nghiệp KH&CN là đầu tàu trong thời đại 4.0
Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến thảo luận về chương trình, dự án nghiên cứu KH&CN có tiềm năng trở thành các sản phẩm thương mại; mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; mô hình và cơ chế thành lập, phát triển các doanh nghiệp KH&CN; một số rào cản và giải pháp thực tiễn trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu ứng dụng; quy trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp KH&CN tham gia cũng đã chia sẻ về các kinh nghiệm thành công và các giải pháp để thúc đẩy sự ra đời của doanh nghiệp KH&CN. Qua đó tạo nền tảng đẩy mạnh quá trình đưa những nghiên cứu, sáng chế đến gần hơn với cuộc sống thực tiễn...
Hội thảo cũng đã được nghe các tham luận của TS. Hoàng Kim Toản, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế, về một số kết quả nghiên cứu khoa học có khả năng thương mại hóa gắn với phát triển doanh nghiệp KH&CN tại Đại học Huế; tham luận về phát triển thương mại hóa sản phẩm Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn) theo chuỗi giá trị mang thương hiệu Huế trên thị trường do TS. Phạm Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Cát trình bày.
Bên cạnh đó, ông Ngô Thuần, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành (Sở KH&CN Thừa Thiên Huế), cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc lập hồ sơ chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN theo quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, doanh nghiệp KH&CN là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH&CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
“Do đó, Doanh nghiệp KH&CN không chỉ là cầu nối ứng dụng KH&CN chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội và GDP của đất nước”, TS. Hồ Thắng nhấn mạnh.
TS. Hồ Thắng cũng cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cánh mạng công nghiệp 4.0 diễn ra sâu rộng thì doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, cũng phải có những bước đi, lộ trình phát triển phù hợp, nhằm đi trước, đón đầu, ứng dụng mạnh mẽ các kết quả KH&CN để nhanh chóng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, Doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN sẽ là đơn vị đầu tàu trong công tác này.
“Qua Hội thảo này, hy vọng sẽ có nhiều Doanh nghiệp KH&CN ra đời để nắm bắt nghiên cứu và làm cầu nối cho các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu thương mại hóa các sản phẩm, đề tài KH&CN ứng dụng vào thực tế góp phần thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội địa phương phát triển”, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế, kỳ vọng.
Theo PV
''https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/thua-thien-hue-tim-giai-phap-phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe/20200909120948354''