Ngày 10/9, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu 3 địa phương Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương tổ chức cho lao động khu đông dân cư, không đảm bảo giãn cách được đăng ký về quê theo nguyện vọng.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định. Kể từ 24/7/2021, khi TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đa số người lao động ngoại tỉnh đã phải nghỉ làm nên đều gặp khó khăn. Vì vậy, nhiều lao động có mong muốn được trở về quê.
Nếu có nhu cầu, người dân sẽ đăng ký với phường, xã, nơi họ đang ở. Các địa phương sẽ thống kê dựa trên thông tin cá nhân, chia ra 2 nhóm là người dân và lao động. Trên cơ sở này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ báo cáo thành phố.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã giao cơ quan này chủ động liên vệ với các tỉnh, thành phố, nơi người dân mong muốn được trở về, đồng thời, phối hợp cùng với công an Hà Nội lên phương án hỗ trợ lao động ngoại tỉnh muốn về quê khi có đủ điều kiện. Ngoài việc chính quyền đã thông tin và phối hợp chặt chẽ với nơi đến của người dân để bố trí giám sát cách ly y tế với người đủ điều kiện, những người này sẽ được làm xét nghiệm PCR trước 3 ngày xuất hành.
Vậy để được phép về quê, người dân ngoại tỉnh cần đáp ứng điều kiện gì?
Người dân bắt buộc phải đáp ứng được 2 điều kiện: có lý do chính đáng và đang sinh sống tại vùng xanh, mới được phép dời Hà Nội về quê.
Bên cạnh đó, khi người dân đăng ký trở về quê, chính quyền TP.Hà Nội cũng đã xuống tìm hiểu từng hoàn cảnh, và vận động người dân không trở về nếu không thực sự cần thiết, họ sẽ tiếp tục được địa phương hỗ trợ lương thực, thực phẩm.
Mặc dù ngày 21/9 tới đây, Hà Nội sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch, nhưng người dân ngoại tỉnh vẫn không thể tự đi về được vì thành phố vẫn đang là vùng dịch.