Kịp thời hỗ trợ người lao động
Đến hết tháng 03/2022, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã vận động được 16,697 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 33,01% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có khoảng 15,237 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 1,46 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện); khoảng 13,538 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 26,76% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 85,470 triệu người tham gia bảo hiểm y tế- đạt tỷ lệ bao phủ 87,56% dân số.
Như vậy, tính chung toàn quốc, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều có mức tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2021. Riêng về bảo hiểm y tế tăng trên 77.000 người so với tháng 2/2022, song vẫn giảm sâu so với năm 2021.
Cùng với việc gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong tháng Ba, toàn Ngành đã giải quyết chế độ cho 4.895 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 115.606 người hưởng trợ cấp một lần (trong đó 106.097 người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần); giải quyết cho 808.551 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản... Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội các cấp đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH cùng cấp giải quyết cho 62.486 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Đáng chú ý, trong tháng 03/2022, vấn đề được đặc biệt quan tâm là thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau trong quá trình nghỉ việc điều trị Covid-19 tại nhà. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, số lượng người lao động mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà gia tăng, trong khi Thông tư 56/2017/TT-BYT lại chưa có quy định về việc cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội đối với các F0 điều trị tại nhà hoặc tại các cơ sở thu dung điều trị.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tham gia đề xuất với Văn phòng Chính phủ về thẩm quyền công nhận 7 loại giấy tờ mà người mắc Covid-19 được cấp có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; tham gia với Bộ Y tế dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT, đề nghị Bộ Y tế quy định cụ thể đối với 7 loại giấy tờ được trình có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh sẵn sàng mọi nguồn lực để kịp thời thực hiện giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động mắc Covid-19.
Song song với đó, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh triển khai thí điểm việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID) trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh căn cứ tình hình chi khám chữa bệnh các năm 2019, 2020, 2021; dự báo thay đổi việc cung ứng dịch vụ y tế, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại địa phương để xây dựng kế hoạch triển khai dự toán năm 2022...
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022; triển khai đa dạng, linh hoạt và tăng cường các hoạt động truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội. Cùng với đó, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh bám sát các định hướng, kế hoạch của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và từng cấp độ dịch tại địa phương để tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình mới; nhất là việc triển khai các kế hoạch truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng xin ý kiến thống nhất của Bộ LĐ-TB&XH về giải quyết một số vướng mắc trong việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Triển khai các chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng năm 2022 đối với hệ thống đại lý thu Bưu điện.
Đồng thời, giao chỉ tiêu, kế hoạch thu, khai thác, phát triển người tham gia, giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022 cho các địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi cho người tham gia. Tăng cường thanh kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cấp xã nhằm huy động cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc.
Mặt khác, quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả; vừa kiểm soát chặt chẽ, vừa đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm, rõ kết quả”…