Theo bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt xu thế chung của xã hội, tập trung đào tạo nghề gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, nhất là doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đòi hỏi lao động trực tiếp, tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Hiện toàn tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gần 1.000 giáo viên đã được chuẩn hóa về chuyên môn.
Bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh “Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp đủ tầm để đáp ứng những đổi mới mạnh mẽ, để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh, tiếp cận trình độ cao”
Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-thông tin: Nhiều năm qua, nhà trường đặt ra nhiệm vụ đào tạo nghề bám sát thực tiễn, kết nối với doanh nghiệp đào tạo nghề có địa chỉ, gắn với nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, hàng năm, Phòng Vật tư thiết bị và Tiếp xúc doanh nghiệp của nhà trường tiếp xúc với các doanh nghiệp để nhận đặt hàng đào tạo nghề và tạo việc làm cho học sinh, sinh viên. Thời gian qua, Trường Cao đẳng Gia Lai đã ký kết biên bản ghi nhớ với một số doanh nghiệp, Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo gần 70.000 người, trong đó: cao đẳng 4.110 người; còn lại trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2020 toàn tỉnh đạt 55%.
Trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và đào tạo thường xuyên của tỉnh hàng năm khoảng 25.000 người, tập trung vào các ngành, nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo hiện chiếm khoảng 69,6% lao động đang làm việc.
Vì vậy, để tạo bước chuyển biến thực sự trong đào tạo nghề trong tình hình mới, theo bà Rcom Sa Duyên thì ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, người dân và sự đồng hành của doanh nghiệp về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.
Chú trọng nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình phát triển ngành, địa phương, dự báo, xây dựng, cập nhật dữ liệu mở về nhu cầu lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với việc làm của doanh nghiệp, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới, như: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, dịch vụ. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp...
Theo Thùy Linh
"https://thuonghieucongluan.com.vn/nang-cao-chat-luong-day-nghe-gan-voi-nhu-cau-lao-dong-tai-gia-lai-a121752.html"