Công ty nghiên cứu thị trường Technavio cho biết, tổng giá trị thị trường nhượng quyền toàn cầu đạt 2.900 tỷ USD năm 2023 và có thể tăng lên 4.300 tỷ USD đến năm 2027. Đây là tỷ lệ tăng đột biến hơn 48% chỉ trong vòng 4 năm, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm ở mức 9,58%. Trong khi đó, tính về mức độ tăng trưởng trong vòng 7 năm trước đó (2017 đến 2023), tỷ lệ tăng trưởng chỉ ở mức 20,8%.
Thị trường nhượng quyền tại tất cả các quốc gia đều phát triển sôi nổi, đặc biệt là thị trường các nước đang phát triển với tỷ lệ tăng trưởng GDP tốt như Việt Nam.
Năm 2024 là năm chứng kiến nhiều hoạt động xúc tiến tìm nhà đầu tư nhượng quyền tại Việt Nam từ các thị trường Nhật, Hàn quốc, Đài Loan, Trung quốc, Malaysia và Singapore. Việt Nam, thị trường đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về dân số chỉ sau Indonesia và Philippines, là thị trường mục tiêu của tất cả các thương hiệu nhượng quyền quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu châu Á, thông tin được đưa ra tại VietRF 2024 - Triển lãm Quốc tế Công nghệ cửa hàng và Nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam do COEX và Retail & Franchise Asia đồng tổ chức.
So với Việt Nam, các quốc gia có ngành này phát triển trong khu vực châu Á đã đi trước 20-30 năm và vì vậy đã tạo ra nhiều thương hiệu và mô hình chuẩn để xuất khẩu sang Việt Nam. Việt Nam là một thị trường còn non trẻ, theo các chuyên gia hiện nay vẫn còn đang học hỏi và tiếp nhận để có thể ứng dụng mô hình vào việc phát triển mô hình và thương hiệu nội địa.
Tại VietRF 2024, bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Mạng lưới nhượng quyền và cấp phép tại Việt Nam, Chủ tịch Go Global Holdings cho biết, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu rất lớn về nhượng quyền, nhưng thông thường vẫn tự mày mò.
Việt Nam đang là thị trường có dư địa phát triển rất lớn, cơ hội cho tất cả các thương hiệu nuôi giấc mơ quốc tế hóa. Đây vừa là cách tăng tốc quốc tế, cũng là kênh phát triển doanh thu và giá trị thương hiệu, đặc biệt trong ngành sản xuất, nông nghiệp và bán lẻ.
Nước ta có thế mạnh về phát triển ẩm thực. Nhượng quyền cũng là mô hình hiệu quả, giúp giá trị nền nông nghiệp, nông sản Việt lên từ 30-100 lần, so với xuất khẩu nguyên liệu thô cà phê, tiêu… như hiện tại.
Cho đến nay, các thương hiệu Việt có những bước đầu tiên nhượng quyền quốc tế như Phở 24, Trung Nguyên, Highlands, Cộng cà phê... đều vẫn còn hạn chế về mức độ và tốc độ phát triển. Tuy nhiên, một số thương hiệu trẻ như trà sữa Phúc Tea, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé Care With Love, Phở'S... cũng đã có động thái ra quốc tế.
Bà Nguyễn Phi Vân cho biết, doanh nghiệp muốn và đang nhượng quyền cần phải thận trọng và làm tốt 3 điều khi nhượng quyền tại thị trường Việt Nam. Trong đó, trước hết là phải đầu tư xây dựng hệ thống nhượng quyền bài bản, không nên làm đại làm càng, học lóm, làm sai tới đâu sửa tới đó.
Tiếp đến là doanh nghiệp cần thận trọng trong việc lựa chọn đối tác phù hợp và không bao giờ vì khao khát mở rộng nhanh mà ký kết với bất kỳ ai đang có tiền và có ý định đầu tư. Nhượng quyền không phải là kênh đầu tư dành cho tất cả mọi người. Muốn đầu tư nhượng quyền thành công phải là nhà đầu tư có hiểu biết về ngành.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần tự phát triển và mở rộng thị trường Việt Nam song song với nhượng quyền, không nên chỉ xem nhượng quyền là kênh phát triển duy nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù có hay không phát triển nhượng quyền tại Việt Nam thì doanh nghiệp cũng nên đưa nhượng quyền vào chiến lược phát triển và mở rông thị trường quốc tế. Nhượng quyền là một trong những hình thức phát triển thương hiệu mang đến thành công tốt nhất cho doanh nghiệp Việt.