Liệu giải ngân vốn đầu tư công có tăng tốc trong năm 2022?
Theo báo cáo mới công bố của VNDIRECT, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và nhiều điểm nghẽn trong công tác thực hiện dự án, giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong năm 2020-21 đều không đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, khi chỉ hoàn thành lần lượt 96,6%-84,3% kế hoạch năm.
Giải ngân đầu tư công năm 2022 dự kiến tăng 20-30% so với cùng kỳ (tỷ đồng)
Báo cáo nhận định, Chính phủ đang rất quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 với hàng loạt động thái quyết liệt. Cụ thể:
Giữa tháng 12/2021, Bộ KHĐT đã thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2022. VNDIRECT cho hay, điều này sẽ giúp các cơ quan trên có thể chủ động giải ngân ngay từ đầu năm, hạn chế tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả".
Cho phép thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong năm 2022: Giải phóng mặt bằng luôn là một trong những vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ các dự án hạ tầng giao thông. Việc hoàn thành giải phóng mặt bằng mới đấu thầu xây lắp sẽ giúp tránh tình trạng tăng chi phí, đội vốn và có thể sử dụng nguồn vốn sẵn có bố trí cho các dự án khác.
Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 14% so với kế hoạch năm 2021 lên 572.000 tỷ đồng nhờ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 là 526.000 tỷ đồng và khoảng 46.000 tỷ đồng vốn từ Chương trình kích thích và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-23. Trong năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công sẽ tiếp tục tăng 7% so với cùng kỳ lên 609.000 tỷ đồng.
Theo VNDIRECT, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ các yếu tố sau:
Thứ nhất, nguồn vốn bổ sung phát triển kết cấu hạ tầng từ gói kích thích kinh tế mới được thông qua.
Thứ hai, nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới.
Thứ ba, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.
Thứ tư, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở mức thấp, chỉ đạt 85% kế hoạch cả năm.
Cuối cùng, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm sau.
Các nhóm ngành được hưởng lợi
Chính phủ cũng cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn trong năm 2022 như Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam...
VNDIRECT cho rằng nhóm ngành Xây dựng hạ tầng giao thông - Vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chủ đề này.
Cụ thể, một số nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ các gói đầu tư công của Chính phủ trong giai đoạn 2021-25 thuộc các ngành như: xây dựng hạ tầng giao thông, thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường, xi măng, hạ tầng viễn thông. Ngoài ra còn có bất động sản, thu phí tự động không dừng (ETC), hệ thống giao thông thông minh...
Với xây dựng và hạ tầng giao thông, các nhà thầu đã chứng minh được năng lực thi công và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, Tập đoàn CIENCO4… đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022-23 khi Chính phủ sẽ tập trung tiến độ của các dự án này.
Với thép xây dựng, trong năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng 10-15% so với cùng kỳ. Theo đó, CTCP Tập đoàn Hòa Phát được dự báo sẽ được hưởng lợi chính từ chủ đề này.
Với đá xây dựng, một số doanh nghiệp tiêu biểu bao gồm các công ty niêm yết đang sở hữu cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân (do CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, CTCP Hóa An và CTCP Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa sở hữu) sẽ được ưu tiên huy động. Dự án trọng điểm này sẽ là động lực lớn thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2022-23.