Góc nhìn mới về marketing giữa đại dịch COVID-19

04/06/2021 15:54

Phó Tổng Giám đốc Chiến lược và Marketing, Kowil Fashion (Phú Thái Holdings) Đoàn Đức Thuận đã có những chia sẻ về cách làm marketing mới cho các doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ tư, Phú Thái Holding xác định, công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng phải thực hiện song song với nhiệm vụ kinh doanh.

Để thực hiện được cả hai nhiệm vụ cùng lúc, tập đoàn đã chỉ đạo tích cực phòng, chống dịch COVID-19, triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực với mong muốn đạt được mục tiêu không có người lao động mắc bệnh để bảo đảm công việc kinh doanh hiệu quả và an toàn.

Vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, ngày 31/5/2021 Phú Thái Holdings đã trao số tiền 2 tỷ đồng ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

ket1-1622771613.jpg
Ảnh minh họa

Có thể nói đại dịch COVID-19 xảy ra là một biến cố không có tiền lệ trên thị trường, tạo ra những chuyển hướng nhu cầu và thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Thế nhưng, theo ông Đoàn Đức Thuận, khủng hoảng do ảnh hưởng của bệnh dịch là thời điểm rất tốt để các thương hiệu đánh giá và kết nối với lý tưởng thương hiệu mình; sáng tạo và điều chỉnh về cơ cấu, tính năng sản phẩm; hoàn thiện cấu trúc và chất lượng kênh phân phối, xây dựng các thông điệp truyền thông dựa trên thế mạnh và tập trung vào cảm xúc tích cực với sự chân thành và sáng tạo trong xây dựng thông điệp thương hiệu.

Trải qua 4 đợt dịch COVID-19, chiến lược marketing đã có nhiều thay đổi dựa trên thói quen của người tiêu dùng. Ông Thuận đã chỉ ra một số giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp vượt qua sóng gió đại dịch.

Trước hết, sáng tạo sản phẩm cần được chú trọng. Sáng tạo sản phẩm qua việc các thương hiệu tận dụng những năng lực cốt lõi của mình để chuyển hướng tối đa trong việc cung ứng các sản phẩm trong nhóm giải pháp đối phó với bệnh dịch (các thương hiệu may mặc, thời trang chuyển sang sản xuất khẩu trang, các thương hiệu dược phẩm tập trung vào sản phẩm dung dịch rửa tay, các thương hiệu chế tạo máy tập trung vào sản xuất máy thở, các kênh thị trường online tập trung và phát triển cung ứng các nhu yếu phẩm…).

Thứ hai là nhiệm vụ điều chỉnh, tối ưu kênh tương tác. Do điều kiện bệnh dịch nên tính tương tác trực tiếp ít thuận lợi hơn, hành vi tiêu dùng ở bối cảnh vật lý cũng bị hạn chế và dần được thay bằng việc mua sắm qua mạng. Các thương hiệu cần tranh thủ khai thác sự chuyển đổi quan trọng trong hành vi của khách hàng để đẩy mạnh bán hàng qua mạng, kiện toàn hiện diện số (website, sự hiện diện trên mạng xã hội, sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử…) và gia tăng sự tương tác, chất lượng trải nghiệm (tại cả nền tảng online và nền tảng offline) để tối ưu việc cung cấp giá trị cho khách hàng và hồi thu giá trị cho thương hiệu.

Bệnh dịch tuy mang lại nhiều khó khăn và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng đã góp phần đẩy nhanh tư duy phải kinh doanh số hóa, giúp doanh nghiệp nhận ra sự thay đổi và làm quen nhanh chóng với việc mua hàng từ xa, trực tuyến. 

Tiếp theo là các doanh nghiệp nên tập trung vào truyền thông dựa trên thế mạnh, tập trung vào cảm xúc tích cực. Các thương hiệu nên chủ động vượt lên với tinh thần Việt Nam, khai thác những mặt tốt đẹp hơn là đánh vào sự sợ hãi. Trong bối cảnh thị trường mới, người tiêu dùng với đầy đủ kiến thức và tiếp cận các luồng thông tin đánh giá chéo nhau, hoàn toàn có thể nhìn ra những “chiêu trò”, những “tiểu xảo” đánh vào sự sợ hãi của các thương hiệu.

Thương hiệu cần lựa chọn hành động theo những giá trị xã hội tốt đẹp và cam kết đồng hành với những giá trị đó (ví dụ như cổ vũ sự vươn lên của người trẻ, ủng hộ các giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam…). Đặc trưng của người Việt Nam là khi khó khăn, khi hoạn nạn thì tương tính tương trợ, đùm bọc lẫn nhau, tính đoàn kết đồng bào tăng lên rất cao. Khai thác khía cạnh này, nhiều thương hiệu Việt Nam cũng đồng lòng với các hoạt động hay chiến dịch xã hội lớn. 

Chân thành và sáng tạo trong xây dựng thông điệp thương hiệu cũng không thể bỏ qua. Những nội dung tạo ra xuất phát từ chính cảm xúc của bản thân những người đứng sau một doanh nghiệp, qua đó, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp như một thực thể với những mong muốn, cảm xúc và hy vọng như một con người.  

Áp dụng các tư duy phi lối mòn, phi truyền thống có tác động đáng kể. Để làm việc này, cần khai thác tâm lý hành vi của khách hàng và làm mới các khác niệm. Ai cũng thường thích các sự bất ngờ, ngạc nhiên và các thương hiệu cần chủ động đưa ra các tiếp cận khác biệt theo hướng nói những thông điệp, những diễn đạt không cũ về những vấn đề không mới

Một số các thương hiệu rất sáng tạo biến những khẩu trang thành công cụ truyền thông để phát huy sức mạnh nội bộ hay lan tỏa các thông điệp tới khách hàng, đối tác và xã hội

ket2-1622771613.png
Ông Đoàn Đức Thuận - Phó Tổng Giám đốc Chiến lược và Marketing, Kowil Fashion (Phú Thái Holdings)

Để có thể duy trì được kết nối với người tiêu dùng, nội dung thương hiệu cần được điều chỉnh và thay đổi không ngừng để phù hợp và thích nghi với những biến động xã hội và thị trường. Đồng cảm, chân thành và sáng tạo là ba từ khóa thương hiệu, sẽ giúp các thương hiệu Việt Nam biến thách thức bệnh dịch thành một cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng Việt. Người Việt Nam tin tưởng và lựa chọn các giá trị, các sản phẩm Việt Nam là điều tốt đẹp cho dân tộc, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết "Góc nhìn mới về marketing giữa đại dịch COVID-19" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.