Doanh nghiệp nông nghiệp thích ứng hậu Covid-19

12/05/2020 17:45

Việc “số hóa” trong sản xuất kinh doanh hay quản trị sẽ giúp doanh nghiệp nông nghiệp thích ứng tốt hơn trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, nhất là kiểm soát tốt sản xuất, xuất khẩu, cân đối cung cầu, truy xuất nguồn gốc…

Hậu dịch Covid-19, CTCP tập đoàn Lộc Trời cho biết khi hoạt động xuất khẩu (XK) diễn ra bình thường từ đầu tháng 5/2020 thì mảng lương thực sẽ đẩy mạnh ký kết các hợp đồng mới và đàm phán theo hướng khách hàng cả nội địa và XK.

Chuyển biến mới

Theo đó, khách hàng sẽ đặt hàng 3 lần/năm trước mỗi mùa vụ, trừ một số loại gạo đặc biệt như Jasmine chỉ có thể đặt trước 1 lần trong năm.

Từ đơn đặt hàng, Tập đoàn sẽ ký hợp đồng để mảng dịch vụ nông nghiệp tổ chức vùng nguyên liệu, cung ứng toàn bộ giống, vật tư nông nghiệp và cử nhân viên “3 cùng” kiểm soát toàn bộ các khâu trên đồng ruộng theo quy trình SRP (Sustainable Rice Platform - nền tảng lúa bền vững).

Trong quý II/2020, Lộc Trời dự kiến đạt cấp độ 3 cao nhất của chương trình đảm bảo SRP cho các nông hộ tiên tiến trong mô hình canh tác lúa bền vững hướng đến 100 điểm SRP, làm cơ sở để nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chuẩn SRP trên toàn bộ vùng nguyên liệu của mảng lương thực.

Doanh nghiệp (DN) này khẳng định tiếp tục chú trọng phát triển phân khúc gạo cao cấp, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất được nguồn gốc cho thị trường nội địa và XK.

Đặc biệt là với thị trường EU không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường. Hồi năm ngoái, Lộc Trời chiếm hơn 17% tổng lượng gạo Việt Nam XK sang các quốc gia khu vực EU, riêng gạo Jasmine chiếm hơn 50%.

Ở một “ông lớn” khác là Thaco cũng đang có những động thái mới. Cụ thể, mảng kinh doanh nông nghiệp của DN này cùng với mảng bất động sản và các mảng khác sẽ được chia tách ra, còn Thaco phụ trách mảng ôtô.

Tổng doanh thu được Thaco Group giao cho Thadi (phụ trách mảng nông nghiệp) trong năm nay là 17.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu XK là 150.000 tấn trái cây với doanh thu 2.500 tỷ đồng và bao tiêu cho HAGL Agrico 650.000 tấn với doanh thu 6.000 tỷ đồng.

Mảng nông nghiệp của Thaco Group cũng sẽ hoàn thiện về chủng loại, quy hoạch vùng trồng cho cây ăn trái kết hợp nông trại chăn nuôi bò nhằm tạo ra hệ sinh thái sản xuất hữu cơ. Ngoài ra, DN này sẽ hỗ trợ CTCP Hùng Vương phát triển lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và XK thuỷ sản, nuôi lợn giống và lợn thịt thông qua liên doanh.

Theo giới chuyên gia, để vượt qua giai đoạn khó khăn hậu đại dịch Covid-19, các DN nông nghiệp cần thích ứng tốt, nên có những chuyển biến mới, đặc biệt là cần linh động trong sản xuất kinh doanh hay quản trị để cạnh tranh tốt hơn như trường hợp của Lộc Trời hay Thaco Group.

Như chia sẻ của Ts. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, lĩnh vực nông nghiệp có nền tảng ổn định khá tốt xuất phát từ nhu cầu thực phẩm tương đối ổn định. Ông Lực hy vọng tình hình này hòa với sự nhạy bén của đội ngũ doanh nhân.

Đây là lúc cần số hóa nông nghiệp nhằm giúp kiểm soát sản xuất, XK, cân đối cung cầu, 
truy xuất nguồn gốc


 Chuỗi cung ứng “từ nông trại đến bàn ăn”

Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, đây là lúc thích hợp nhất để số hóa nông nghiệp. Số hóa nông nghiệp sẽ giúp kiểm soát sản xuất, XK, cân đối cung cầu, truy xuất nguồn gốc bằng số hóa…

Với vai trò tư vấn DN nông nghiệp, ông Nguyễn Công Tẩn, Tổng giám đốc CTCP công nghệ Citek, chia sẻ, công ty không chỉ tư vấn DN chuyển đổi số và kết nối các quy trình trên cùng một hệ thống mà còn tư vấn DN chuẩn hóa mô hình và chuyển đổi toàn diện để tối ưu hóa vận hành và đơn giản trong quản trị. Đặc biệt là giúp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong quản trị, điều hành DN và trở thành DN nông nghiệp tri thức.

Như mới đây, Citek đã ký hợp đồng với một DN nông nghiệp để triển khai hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực DN ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực DN), một trong những dự án quan trọng nhất trong mục tiêu chuyển đổi số và hoàn thiện chương trình tái cấu trúc toàn diện cho phía DN.

Hệ thống sẽ được triển khai trong 10 tháng và đưa vào vận hành với kế hoạch về chuỗi cung ứng (S&OP), mua hàng, bán hàng, quản lý kho, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, kế toán tài chính và kế toán quản trị.

Về phía DN nông nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết dànhrất nhiềusự quan tâm đến vấn đề quản trị sự thay đổi. Mục tiêu là những người làm việc trong công ty đều hiểu các lợi ích của ERP và nhanh chóng làm quen với cách làm việc mới.

Cụ thể, hệ thống phân phối của DN này được cấu trúc hướng đến sự tinh gọn và bao phủ diện tích hiệu quả với chi phí thấp. Mỗi huyện sẽ có tối đa 2 đại lý cấp 1 (bán sỉ và đặt hàng trực tiếp với DN) đáp ứng các tiêu chí năng lực bán hàng và lịch sử thanh toán tốt, cũng như có hệ thống 5 - 10 đại lý cấp 2 (bán lẻ) bao phủ hiệu quả ở các xã.

Từ đầu quý II, DN cũng áp dụng chính sách bán hàng không công nợ, giao hàng thu tiền ngay. Mục đích của sự thay đổi này nhằm cải thiện hiệu quả quản lý hệ thống phân phối, tăng doanh số trên từng đại lý và quản lý công nợ chặt chẽ hơn.

Theo bà Josephin Galla, Tổng giám đốc SAP Việt Nam, với việc coi sự hài lòng của khách hàng là ưu tiên hàng đầu thì giải pháp ERP sẽ tối ưu hóa thành công chuỗi cung ứng “từ nông trại đến bàn ăn” của DN nông nghiệp.

Theo DNVN

"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-nong-nghiep-thich-ung-hau-covid-19/20200512084505897"

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp nông nghiệp thích ứng hậu Covid-19" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.