Chọn khẩu trang nào đủ chuẩn phòng dịch Covid-19?

04/08/2020 17:02

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1444 hướng dẫn tạm thời về lựa chọn và sử dụng khẩu trang trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ảnh minh họa

 

Tại quyết định này, Bộ Y tế nêu rõ, với thông tin hiện có, các chuyên gia y tế cho rằng, con đường lây truyền từ người sang người của Covid-19 là thông qua các giọt bắn hô hấp tiếp xúc gần. Bất kỳ ai tiếp xúc gần (trong vòng 1 m) với người có triệu chứng hô hấp (hắt hơi, ho,…) đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Bộ Y tế cũng cho biết, đeo khẩu trang chỉ là một trong những biện pháp phòng ngừa để hạn chế sự lây lan của một số bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả Covid-19.

Đeo khẩu trang y tế không đúng chỉ định có thể gây lãng phí không cần thiết, khan hiếm cho cơ sở y tế, đồng thời tạo ra tâm lý sai lầm về sự an toàn, và có thể dẫn đến bỏ qua các biện pháp thiết yếu khác như rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay 60% độ cồn. Hơn nữa, sử dụng khẩu trang không đúng cách có thể ảnh hưởng đến hiệu quả trong dự phòng nguy cơ lây truyền.

Theo Bộ Y tế, có 4 loại khẩu trang bao gồm: khẩu trang y tế N95 hoặc tương đương; khẩu trang y tế; khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn (gọi tắt là khẩu trang 870); khẩu trang 3, 4 lớp (không đủ điều kiện là trang thiết bị y tế) và khẩu trang vải thông thường khác. Bốn loại khẩu trang này có nguyên tắc sử dụng khác nhau.

Cụ thể, khẩu trang y tế N95 hoặc tương đương chỉ dùng cho kỹ thuật viên xét nghiệm, nhân viên y tế, người tiếp xúc trực tiếp để khám, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19. Loại khẩu trang này tuân theo các loại tiêu chuẩn tương đương phổ biến như: Mỹ: N95 Respirator (tiêu chuẩn NIOSH-42C FR84); Châu Âu: FFP2 Respirator (tiêu chuẩn EN 149-2001); Úc, Newzealand: P2 Respirator (tiêu chẩn AS/NZ 1716:2012); Trung Quốc: KN95 Respirator (tiêu chuẩn GB2626-20 06); Nhật Bản: DS Respirator (tiêu chuẩn JMHLW- Notification 214, 2018); Hàn Quốc: Korea 1st Class Respirator (tiêu chuẩn KMOEL-2017-64).

Khẩu trang y tế dành cho cán bộ y tế khi làm việc trong môi trường y tế ở khu vực có khả năng lây nhiễm và tiếp xúc nhiều với người bệnh (khoa khám bệnh, khoa điều trị, khoa hồi sức tích cực,…).

Loại khẩu trang này được quản lý là trang thiết bị y tế (đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu đạt TCVN 8389-1 : 2010; TCVN 8389-2 : 2010; TCVN 8389-3 : 2010 và đã có số lưu hành do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Nghị định 36/2016/NĐ-CP).

Khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn (gọi tắt là khẩu trang 870), dành cho cán bộ y tế làm việc ở những nơi ít có nguy cơ; người tham gia phòng chống dịch; người bệnh trong cơ sở điều trị bệnh không lây nhiễm; người phục vụ ở các khu vực công cộng như lễ tân, bãi xe, cảng biên phòng, cửa khẩu, cảng hàng không,…

Loại này được quản lý như hàng hóa thông thường, sản xuất theo các quy định của Bộ Y tế trong quyết định hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn và do các doanh nghiệp sản xuất thuộc Bộ Công Thương quản lý (các tập đoàn, doanh nghiệp dệt may).

Các loại khẩu trang 3, 4 lớp (không đủ điều kiện là trang thiết bị y tế) và khẩu trang vải thông thường khác, được sử dụng cho mọi người khỏe mạnh và ở những khu vực ít có nguy cơ lây nhiễm.

Linh Tuệ

"https://thuonghieucongluan.com.vn/chon-khau-trang-nao-du-chuan-phong-dich-covid-19-a109456.html"

Bạn đang đọc bài viết "Chọn khẩu trang nào đủ chuẩn phòng dịch Covid-19?" tại chuyên mục XÃ HỘI.