Cha mẹ lo sợ khi trẻ mắc Covid-19, chuyên gia chỉ ra các dấu hiệu nhận biết và điều trị tại nhà: Không nên test đi test lại nhiều lần

10/03/2022 08:54

Khi phát hiện trẻ con mắc Covid-19, các bậc cha mẹ không nên hoang mang, lo sợ, dùng thuốc tùm lum. Đa phần các bé sẽ tự khỏi từ 7-10 ngày, không nên test kiểm tra liên tục để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

F0 trẻ em tăng, cha mẹ hốt hoảng?

Hiện nay, số lượng trẻ em mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng, đa số trẻ không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, không ít bậc làm cha mẹ vì quá lo lắng nên đã đưa con em đến điều trị nội trú, việc này ảnh hưởng một phần đến tâm lý của trẻ cũng như có thể dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống y tế.

Cha mẹ lo sợ khi trẻ mắc Covid-19, chuyên gia chỉ ra các dấu hiệu nhận biết và điều trị tại nhà: Không nên test đi test lại nhiều lần - Ảnh 1.

Sau Tết Nguyên Đán, số lượng các bé nhiễm Covid-19 tăng lên nhiều lần so với trước đây

Theo BS. CK2 Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và Covid-19, BV Nhi đồng 2 cho biết nếu như thời điểm trước Tết Nguyên Đán, tại khu điều trị Covid-19 của BV chỉ tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhi thì đến thời điểm hiện tại, số lượng bệnh của khoa tăng lên 130 bé (tính đến ngày 7/3), trong đó có khoảng 90% là trẻ em dưới 12 tuổi và 1 số trường hợp sơ sinh.

Trong số các trường hợp trẻ F0 điều trị nội trú, khoảng 50% trẻ có bệnh lý nền, trong số 50% còn lại có thể điều trị được tại nhà nhưng vì cha mẹ quá hoang mang, lo lắng nên mới chuyển tới BV để điều trị. Rất may mắn là trong đợt dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhi tử vong, số ca nặng phải thở máy, oxy chiếm 10-15%.

Việc tăng số lượng F0 khiến y bác sĩ, điều dưỡng tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 tất bật hơn

Với những kinh nghiệm được tích lũy sau quá trình điều trị Covid-19, BS. Việt cho biết ở thời điểm hiện tại, mọi người không cần quá lo lắng khi phát hiện trẻ dương tính vì đã có phác đồ điều trị lẫn hướng xử lý.

"Hiện nay Bộ Y tế đã ra hướng dẫn chăm sóc trẻ F0 tại nhà, trừ các trường hợp có biểu hiện lâm sàng hay điều kiện nhà ở không đủ để cách ly, người thân chăm sóc tại nhà thì mới nhập viện để điều trị.

Nếu như thấy trẻ li bì, khó thở, bứt rứt, nhịp thở tăng nhanh hơn so với độ tuổi, kiểu thở bất thường hơn như cánh mũi phập phồng, đo SpO2 giảm dưới 96%, sốt cao kéo dài, co giật… thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra", BS. Đỗ Châu Việt chia sẻ.

Cha mẹ lo sợ khi trẻ mắc Covid-19, chuyên gia chỉ ra các dấu hiệu nhận biết và điều trị tại nhà: Không nên test đi test lại nhiều lần - Ảnh 3.

BS. Đỗ Châu Việt đưa lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ mắc Covid-19

Theo BS. Việt, bước đầu tiên là làm sao để hạn chế lây lan, hạn chế tiếp xúc với người khác khi trẻ nhỏ dương tính hoặc có những biểu hiện của bệnh (nguy cơ nhiễm).

"Cha mẹ không nên hoang mang, lo lắng vì đa phần là những triệu chứng nhẹ. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày, trừ một số trường hợp đặc biệt vì bệnh lý nền. Vì vậy, khi phát hiện trẻ F0, các bậc phụ huynh cần tách bé ra để chăm sóc, cách ly, tránh tiếp xúc với người lớn tuổi nhằm hạn chế sự lây lan.

Điều quan trọng, vấn đề vệ sinh, khử khuẩn, 5K phải luôn được thực hiện đầy đủ, có thùng rác riêng để đựng chất thải từ người bệnh", BS. Việt phân tích.

Việc chăm sóc các bé F0 tại BV Nhi đồng 2

Trẻ con F0, cha mẹ chăm sóc như thế nào?

Theo BS. Đỗ Châu Việt, khi trẻ mắc Covid-19, cha mẹ cần chú ý đến việc dùng thuốc cho trẻ, không nên dùng tùm lum. Nếu trẻ sốt thì dùng thuốc hạ sốt thông thường, ho thì sử dụng siro ho, thảo dược, thuốc này có bán tại các hiệu thuốc tây.

"Khoảng 1 tuần lễ các bé sẽ khỏi, nhưng nếu sau 10 ngày mà cha mẹ test lại bé vẫn dương tính thì cũng không nên lo lắng, lúc này lượng virus của bé thấp rồi, không có khả năng lây lan nữa, không cần test đi test lại nhiều lần. Người ta thường lấy mốc của bệnh trong khoảng 7-10 ngày, sau 10 ngày rồi thì được coi đã hết bệnh", BS. Việt chia sẻ.

Cha mẹ lo sợ khi trẻ mắc Covid-19, chuyên gia chỉ ra các dấu hiệu nhận biết và điều trị tại nhà: Không nên test đi test lại nhiều lần - Ảnh 5.

Các bậc phụ huynh cần theo dõi sức khỏe trẻ, tránh tâm lý sử dụng thuốc tùm lum, lo sợ

Nếu người lớn sau khi phát hiện nhiễm Covid-19 sẽ có những biện pháp điều trị tích cực, chăm sóc để sức khỏe mau ổn định sớm nhất thì trẻ em (độ tuổi nhỏ) sẽ không biết tự chăm sóc. Để giải quyết vấn đề này, các bậc phụ huynh cần phải làm gương, hướng dẫn các bé. Phòng ốc trẻ ở phải thông thoáng, sử dụng quạt máy thay cho máy lạnh, riêng vấn đề ăn uống thì nên khuyến khích các bé ăn, không kiêng cử, uống nhiều nước lọc.

TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi đồng 2 cho biết dù số lượng trẻ F0 tăng nhanh nhưng hầu hết các bé đều nhẹ, việc chọn một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp các bé đỡ mệt mỏi, hồi phục nhanh, có lợi cho hệ miễn dịch và chống lại hậu Covid-19 sau này.

Cha mẹ lo sợ khi trẻ mắc Covid-19, chuyên gia chỉ ra các dấu hiệu nhận biết và điều trị tại nhà: Không nên test đi test lại nhiều lần - Ảnh 6.

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho trẻ F0

"Chế độ ăn cho trẻ F0 cũng giống như trẻ nhiễm siêu vi thông thường, đồ ăn dễ tiêu, cung cấp đầy đủ nước, hạn chế chất đường từ bánh kẹo, nước ngọt. Những vi chất giàu vitamin A, C từ rau củ quả, trái cây tươi, vitamin D… sẽ tăng cường hệ miễn dịch, có lợi cho sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, các bậc phụ huynh lưu ý không lạm dụng, cho trẻ nên uống nước trái cây thay sữa hay bữa ăn", BS. Thu Hậu nói.

Để giúp trẻ giảm sốt, cử nhân điều dưỡng Đoàn Hùng Dương – BV Nhi đồng 2 cho biết ngoài thuốc hạ sốt thì việc mặc đồ thoáng mát, cho trẻ uống nhiều nước, nằm phòng thoáng khí, lau mát cho bé cũng có tác dụng đáng kể.

Để thực hiện việc lau mát, cha mẹ cần phải đo nhiệt độ của bé, từ đó pha nước đun sôi bằng nhiệt độ trên cơ thể của bé rồi lau từ 10-15 phút khắp cơ thể. Sau đó lau khô lại nách, bẹn và cho bé uống nhiều nước, sau 1 tiếng có thể đo lại nhiệt độ để kiểm tra.

Số lượng trẻ mắc Covid-19 tăng nhanh khiến bậc cha mẹ lo lắng, sợ hãi

Trẻ con đi học thành F1 liên tục, sao để phòng tránh hiệu quả?

Trước thực tế hiện nay khi trẻ em đi học, trên lớp thì thỉnh thoảng có vài bạn F0, vì trẻ em sinh hoạt trong môi trường lớp học, nguy cơ tiếp xúc gần cao, chưa kể ăn uống, ngủ nghỉ chung… Bước đầu tiên, giáo viên cần phải xác định nhóm trẻ đó có mối quan hệ như thế nào với trẻ F0: Đó là những trẻ F gần.

Khuyến cáo hiện nay là xét nghiệm nhóm trẻ đó, cách ly ở nhà 1 thời gian khoảng 5 ngày kiểm tra lại rồi đi học trở lại. Nhưng thực tế thời gian qua là khi trẻ F1 cách ly 5 ngày xong quay vô trường học lại tiếp xúc với F0 mới khác lại phải cách ly gây ra nhiều khó khăn. Theo bác sĩ, phụ huynh không nên quá hoang mang, chỉ cần theo dõi sức khỏe của bé để có những xử trí phù hợp.

Cha mẹ lo sợ khi trẻ mắc Covid-19, chuyên gia chỉ ra các dấu hiệu nhận biết và điều trị tại nhà: Không nên test đi test lại nhiều lần - Ảnh 8.

BS. Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và Covid-19, BV Nhi đồng 2 cho biết người lớn cần phải nâng cao ý thức trong việc cách ly, điều trị trẻ F0

"Nếu lúc trước, người lớn nhiễm Covid-19 sẽ có ý thức tốt hơn, chủ động phòng tránh, ít lây lan thì sự vô tư của trẻ em khi sinh hoạt trên trường, ăn uống vui đùa với các bạn nên việc nhiễm bệnh nhiều hơn, dễ lây hơn.

Sau khi trẻ đi học về, các bậc cha mẹ cần phải chú trọng việc vệ sinh, khử khuẩn cho trẻ cũng như theo dõi các triệu chứng bệnh để có bước xử lý nhanh, hợp lý nhất. Chỉ nên test cho trẻ em khi trẻ có biểu hiện của bệnh như sốt, ho, khó thở, ói mửa tiêu chảy.... Còn nếu trẻ bình thường, không có triệu chứng bệnh thì chỉ cần theo dõi", BS. Việt nói.

Văn Tiên