CEO Pizza Home: Dùng hai giải pháp là CẮT – GIẢM và TĂNG để chống chọi với đại dịch Covid-19

23/03/2020 20:45

Các cơ sở kinh doanh trong ngành F&B đang phải thay đổi để phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Ông Hoàng Tùng – CEO chuỗi Pizza Home đã có những chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, với những phân tích rất thẳng thắn và có cái nhìn thực tế về các giải pháp cụ thể cho những người trong ngành F&B có thể cùng nhau vượt “bão”.

Đại dịch Covid-19 bùng nổ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, ở Việt Nam tất cả các ngành kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh du lịch thì ngành dịch vụ F&B (dịch vụ thực phẩm) cũng đang chịu những tác động chưa từng có. Doanh số sụt giảm, khách hàng thay đổi thói quen tiêu dùng, phải cắt giảm nhân sự, hoạt động cầm chừng để chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế được khôi phục trở lại.

Ngành F&B đã phát triển các chuỗi thương hiệu lớn như Gogi House, Kichi, Coffee House… Theo quan điểm của ông, dịch Covid-19 có tác động thế nào đến hoạt động ngành F&B nói chung và doanh nghiệp của ông nói riêng?

Ông Hoàng Tùng: Tôi có kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực Du lịch và F&B, thì cả hai lĩnh vực này đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ khi có dịch Covid-19. Công ty Du lịch đã kích hoạt trạng thái “ngủ đông”. Với chuỗi nhà hàng và bánh ngọt thì thì lượng khách cũng giảm đi rất nhiều khiến một số mặt bằng không kinh doanh hiệu quả, chúng tôi đành phải đóng cửa. Nạn dịch Covid-19 là một cú thử thách lớn chưa từng có tiền lệ đối với những người kinh doanh trong 10 năm trở lại đây.

Ông Hoàng Tùng, CEO Piza Home

Ông có thể chia sẻ cụ thể về những thay đổi trong hoạt động của doanh nghiệp F&B do dịch Covid-19, ví dụ: Về doanh thu? Đơn hàng? Về tình hình sử dụng lao động? Hiện tại doanh nghiệp của ông có phải cắt giảm bớt nhân sự không? Chính sách lương đang giải quyết như thế nào?

Tình hình kinh doanh thay đổi rất nhiều. Tôi có tham gia và hỗ trợ trong một số nhóm anh em kinh doanh và tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành F&B giữa nạn dịch Covid-19 thì thấy tất cả đều chịu thiệt hại không ít thì nhiều. Có những người đành phải ngậm ngùi đóng cửa cơ sở và ngưng kinh doanh cho dù đã đổ ra bao nhiêu tâm huyết và tiền bạc. Tình hình rất khắc nghiệt.

Riêng với Pizza Home thì do cắt giảm quyết liệt và cắt giảm nhanh và cũng có quỹ dự phòng tài chính nên chúng tôi cũng vẫn đang cố gắng cầm cự. Về doanh thu và lượng đơn hàng có giảm, nhưng so với trung bình mức giảm của ngành F&B thì con số vẫn tích cực hơn. Ngoài ra, do mô hình kinh doanh của Pizza Home chủ yếu là Giao hàng tận nhà nên chi phí cố định cũng có thể tiết kiệm được nhiều.

Tuy nhiên do doanh thu giảm, giá thành thực phẩm lại tăng và một số cửa hàng phải đóng cửa nên chúng tôi cũng phải cắt giảm một lượng nhân sự. Với những nhân sự làm toàn thời gian thì chúng tôi cố gắng giữ bằng mọi cách và không giảm lương. Với đội ngũ cộng tác viên, chúng tôi cắt giảm. Với một số bộ phận có thể làm việc được tại nhà thì mọi người làm việc tại nhà để giảm gánh nặng chi phí. Trong thời điểm dịch bệnh và khủng hoảng, việc cắt giảm và thu hẹp nhân sự là điều bắt buộc nên phần lớn nhân sự đều hiểu và thông cảm cho công ty.

Trong giai đoạn khó khăn hiện tại, bên mình đã đưa ra những chiến lược cụ thể cũng như giải pháp để doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển trong giai đoạn như thế nào?

Chúng tôi hướng đến 2 nhóm giải pháp là CẮT – GIẢM và TĂNG.

Cắt là Cắt bỏ những thứ không hiệu quả, ví dụ những mặt bằng không hiệu quả, những sản phẩm không hiệu quả, những chi phí không hiệu quả là lập tức phải cắt bỏ.

Giảm là Giảm thiểu những chi phí cần thiết nhưng trước giờ chưa kiểm soát chặt nên nó bị phung phí, như kiểm soát các chi phí về giao vận, về cost sản phẩm, về điện, về nước… rất nhiều chi phí chúng ta có thể giảm tải mà vẫn giữ chất lượng dịch vụ được tốt, nhưng trước giờ chưa kiểm soát tốt nên nó đội lên rất cao. Giờ phải siết chặt lại để giảm thiểu phung phí không cần thiết.

TĂNG – Tìm cách tăng thêm dòng doanh thu bằng cách. Một là, tăng sản phẩm mới: Việc R&D: Nghiên cứu sản phẩm mới phải liên tục cho ra các sản phẩm mới theo tinh thần Lean&Fast (Tinh gọn và Nhanh chóng) để có thể tung sản phẩm ra thị trường nhằm tăng doanh số thật nhanh. Ví dụ như Pizza Home đã có những sản phẩm như bánh Pizza Thanh Long, Burger Thanh Long là những sản phẩm sau khi tung ra đã được khách hàng đón nhận rất tốt. Hay gần đây nhất sản phẩm Burger và bánh quy hình Corona cũng rất được trẻ em thích thú. Sản phẩm mới có thể giúp chúng ta có dòng tiền mới hiệu quả.

Hai là, tăng kênh bán hàng: Ngoài kênh offline bị sụt giảm chung thì cố gắng tận dụng các kênh online thật nhanh và bán hàng kết hợp với các app bán hàng như GoFood, GrabFood để hút khách hàng.

Ba là, tăng đối tác: Cố gắng tìm đối tác có sản phẩm tương thích để bán chéo, tung ra các chương trình, sản phẩm để có thể cùng nhau tăng doanh số và chia sẻ chi phí.

Ông đánh giá sao về hướng chuyển dịch từ kinh doanh offline sang online và sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng thương mại điện tử trong kinh doanh ngành F&B nói riêng trong thời gian tới?

Việc dịch chuyển từ Offline sang Online trong ngành F&B là xu hướng diễn ra rất mạnh trong vài năm qua. Ngay cả CEO của Uber là Travis Kalanick sau khi rời Uber ông cũng xây dựng Starup mới là CloudKitchen nhằm tận dụng xu hướng Online hóa ngành F&B. Những ưu thế của việc online hóa này như tối giản nhân sự, tối giản không gian mặt bằng, tối giản chi phí đầu tư ban đầu… càng phát huy khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng nổ. Đây là xu hướng chuyển đổi tất yếu mà những người đang làm trong ngành F&B cần phải sớm bắt kịp.

Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp và các cá nhân đang kinh doanh lĩnh vực F&B hiện tại không ? Theo ông giai đoạn này họ nên và cần phải làm những gì để không bị chịu tác động xấu bởi dịch bệnh?

Kinh nghiệm của tôi là trong tình hình dịch bệnh thì tập trung vào 3 hành động: CẮT – GIẢM và TĂNG, chính là 3 cái đã chia sẻ bên trên.

Trong giai đoạn khó khăn này ông muốn kiến nghị nhà nước có những chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Thực ra nhà nước đã có quyết định rất nhanh, đó là giãn thuế cho doanh nghiệp. Tôi thấy trong đại dịch thì nhà nước đã có những quyết sách rất tích cực ủng hộ doanh nghiệp. Thực ra khủng hoảng xảy ra cũng một phần sẽ là một cuộc sàng lọc giúp doanh nghiệp tự nhìn lại mình và việc đào thải một số doanh nghiệp yếu kém là điều đau lòng nhưng đó cũng là một phần rủi ro của việc kinh doanh. Doanh nghiệp cũng không thể nào mãi dựa vào cách chính sách ủng hộ của nhà nước mãi được.

Với tôi, nếu được tôi xin giảm thuế thu nhập cho người dân. Vì mỗi cá nhân trong thời điểm nạn dịch này là những người chịu ảnh hưởng ít nhiều về thu nhập. Và giảm hoặc miễn thuế thu nhập trong một thời gian là một việc làm nhân văn và cần thiết của chính phủ đối với từng cá nhân trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Theo Huyền Phạm

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/ceo-pizza-home-dung-hai-giai-phap-la-cat-giam-va-tang-de-chong-choi-voi-dai-dich-covid-19/20200323120638376"