Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải, một trong những yếu tố tạo nên kỷ lục trên là cộng đồng DN rất hào hứng với trạng thái bình thường mới sau một năm sóng gió. Đồng thời, DN thể hiện niềm tin, kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong các quý tới.
Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, mở cửa du lịch và minh bạch môi trường kinh doanh của Chính phủ cũng hỗ trợ đáng kể cho DN. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức cao, niềm tin về triển vọng kinh doanh gia tăng, DN kinh doanh những tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan.
Về số vốn, dù có giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2021, với giá trị 882.122 tỷ đồng, nhưng vẫn gấp 1,2 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021 (749.019 tỷ đồng.
Hà Nội và TP.HCM tiếp tục ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số doanh nghiệp thành lập mới. Hà Nội có 14.628 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021; TP. HCM có 22.469 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 là 40.667 doanh nghiệp, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021 (20.949 doanh nghiệp).
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.381 doanh nghiệp, chiếm 37,8%); Xây dựng (5.015 doanh nghiệp, chiếm 12,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.493 doanh nghiệp, chiếm 11,0%).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực sau: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (652 doanh nghiệp, tăng 222,8%); Hoạt động dịch vụ khác (1.124 doanh nghiệp, tăng 202,2%);
Kinh doanh bất động sản (1.409 doanh nghiệp, tăng 69,6%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.381 doanh nghiệp, tăng 68,2%);
Giáo dục và đào tạo (977 doanh nghiệp, tăng 67,6%) và Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5%).
Sự gia tăng của các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận có tới 83.570 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021 (thấp hơn mức tăng 24,9% của 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020).
Trong đó, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chủ yếu là các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (50.909 doanh nghiệp, chiếm 60,9%). Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (18.417 doanh nghiệp, chiếm 36,2%); Xây dựng (7.206 doanh nghiệp, chiếm 14,2%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (5.948 doanh nghiệp, chiếm 11,7%).