Đáng chú ý, thời gian gần đây, đoạn sông Thái Bình xuất hiện nhiều xác cá chết nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối. Sông Thái Bình cũng là nguồn nước khai thác đầu vào của Nhà máy nước sạch thuộc Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương. Một số ý kiến đặt câu hỏi về chất lượng nguồn nước đầu vào có bị ảnh hưởng?
|
Hơn 300 tấn cá lồng chết, gây thiệt hại cho người nuôi cá nhiều tỷ đồng |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Vũ Mạnh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết, hiện đang cho các cán bộ công ty theo dõi, kiểm tra.
“Chúng tôi cho kiểm tra, lấy mẫu thường xuyên. Sau khi có sự cố cá lồng chết trên sông Thái Bình, chúng tôi đều phải theo dõi và lấy mẫu xem có đạt tiêu chuẩn hay không. Cơ bản cũng không ảnh hưởng gì và hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi tiếp”, ông Dũng cho biết.
Trong báo cáo thường niên ngày 6/3 mới đây, Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết, mục tiêu của công ty là đảm bảo an ninh nước sạch, sản xuất và cung cấp nước an toàn, tiến đến cấp nước an toàn với chất lượng và dịch vụ hoàn hảo.
Tuy nhiên, một trong những rủi ro cũng được Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương nêu rõ. Đó là trong quá trình mở rộng sản xuất, công ty có thể chịu rủi ro về chất lượng nguồn nước khai thác. Hiện nay, nguồn nước ngầm đã bị xâm thực mặn do tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nguồn nước mặt chịu rủi ro ô nhiễm lớn từ nước thải và công nghiệp ngày cảng gia tăng do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay.
|
Xác cá chết nổi nhiều trên mặt sông Thái Bình |
Trước đó, thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Dương, đã có khoảng 300 tấn cá nuôi lồng chết.
Thời gian gần đây, một số lồng nuôi cá trên sông Thái Bình thuộc địa phận các xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) có hiện tượng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ngày 5/4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I của Bộ NN&PTNT đã về địa phương kiểm tra nhanh hiện tượng cá chết. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để kiểm tra. Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy. Trước đó các cơ quan chức năng của Hải Dương cũng lấy mẫu nước, mẫu bệnh phẩm đem xét nghiệm tìm nguyên nhân. Đến nay, kết quả chưa được công bố.
Chiều 6/4, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) đã tổ chức các đoàn đến thăm động viên 50 hộ nuôi cá lồng trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề do cá chết hàng loạt. Lãnh đạo xã này đã chia sẻ những khó khăn, thiệt hại của các hộ chăn nuôi, động viên bà con khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực tiêu thụ nhanh chóng số cá còn lại để giảm thiệt hại. Xã Tiền Tiến cũng đã yêu cầu các hội đoàn thể huy động lực lượng giúp bà con thu gom cá chết và hỗ trợ xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường.
|
Lãnh đạo xã Tiền Tiến động viên các hộ nuôi cá lồng |
Trong ngày 7/4, Thành đoàn Hải Dương cũng huy động lực lượng đoàn viên thanh niên xuống địa bàn xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng giúp các gia đình thu gom, xử lý số cá bị chết nhằm hỗ trợ bà con vơi đi một phần vất vả trong giai đoạn khó khăn.
|
Thành đoàn Hải Dương hỗ trợ thu gom xác cá chết |