Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương thực hiện hàng loạt các biện pháp quản lý mạnh mẽ và đồng bộ để hạn chế nhiều tiêu cực của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ngoài ra, phối hợp các cơ quan quản lý liên quan khác đã thực hiện nhiều các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo về các hành vi có dấu hiệu hoạt động bán hàng đa cấp trái phép để nâng cao nhận thức đồng thời ngăn ngừa được các thiệt hại không đáng có cho người dân.
Đầu năm 2019, trên thị trường có 30 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động. Trong năm 2019, có 3 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2019 đến nay, có 12 doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động, bao gồm: 5 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận do không đáp ứng điều kiện mới của Nghị định 40/2018/NĐ-CP; 1 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận do vi phạm điều cấm của Nghị định 40/2018/NĐ-CP; 2 doanh nghiệp không được gia hạn giấy chứng nhận do không duy trì các điều kiện theo quy định Nghị định 40/2018/NĐ-CP; 2 doanh nghiệp hết hạn giấy chứng nhận và không làm thủ tục gia hạn; và 2 doanh nghiệp tự nguyện chấm dứt hoạt động.
Tính đến hết tháng 8/2020, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp chỉ còn 21 doanh nghiệp, giảm 30% so cuối năm 2018. Theo số liệu báo cáo của 24 doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp năm 2019 là 1.105.003 người, giảm 159.401 người (khoảng 12%) so với cuối năm 2018. Trong đó, số lượng người có phát sinh doanh thu, hoa hồng chiếm khoảng 50%. Mặc dù số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp giảm nhưng tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.
Theo số liệu của 24 doanh nghiệp, tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2019 đạt hơn 1.661 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả (chiếm 35,77%) và thuế xuất nhập khẩu (chiếm 38,02%).
Bộ Công Thương đã theo dõi, thu thập và chuyển thông tin, tài liệu liên quan đến gần 30 đơn vị có dấu hiệu hoạt động biến tướng cho các cơ quan công an theo dõi, xử lý theo pháp luật hình sự. Trên cơ sở đó, đã có vụ việc bị các cơ quan chức năng xử lý như vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Đầu tư Thời gian vàng (Goldtime Coffee).
Tuy nhiên, việc đấu tranh chống lại hình thức vi phạm này gặp nhiều khó khăn như: Các đối tượng này hoạt động không phép nên không được quản lý theo các quy định pháp luật chuyên ngành hiện nay. Khi có thông tin, Bộ Công Thương phải chuyển cho cơ quan công an để theo dõi, xử lý theo pháp luật hình sự.
Các đối tượng này có phương thức hoạt động tinh vi, phức tạp, lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số… Việc theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu để xử lý các đối tượng này rất khó khăn.
Người dân tham gia vào hoạt động của các đơn vị trái phép này thường không thông tin cho cơ quan quản lý ngay từ ban đầu mà chỉ khi hệ thống sụp đổ, thiệt hại về tài sản thì mới trình báo đến các cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, một số người biết là hoạt động trái phép nhưng vẫn cố tình tham gia và dụ dỗ người khác tham gia để trục lợi cá nhân.
Theo Hà Trần
"https://thuonghieucongluan.com.vn/bo-cong-thuong-qua-thanh-tra-kiem-tra-da-xu-phat-4-doanh-nghiep-kinh-doanh-da-cap-thu-ve-nsnn-1-810-trieu-dong-a116837.html"