Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2023 được WB công bố ngày 19/6 cho thấy, trong tháng vừa qua, các hoạt động xuất khẩu chế biến, chế tạo của Việt Nam chậm lại do nhu cầu bên ngoài vẫn tiếp tục suy yếu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,1% (so với cùng kỳ) trong tháng 5/2023, giảm từ mức 0,5% (so với cùng kỳ) trong tháng 4. IIP suy yếu phần lớn là do sản xuất bị thu hẹp trên diện rộng (bao gồm may mặc, giày dép, gỗ và giấy, điện tử, máy móc, xe có động cơ và đồ nội thất) phản ánh tình trạng xuất khẩu tiếp tục suy yếu.
Doanh thu bán lẻ tăng 11,5% trong tháng 5/2023 so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với mức tăng trưởng trong tháng 4. Doanh thu bán hàng hóa cải thiện từ 9,7% trong tháng 4 lên 10,9% trong tháng 5. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ giảm từ 19,2% trong tháng 4 xuống còn 7,6% trong tháng 5.
Xuất khẩu hàng hóa thấp hơn 6% so với một năm trước do nhu cầu bên ngoài yếu. Nhập khẩu giảm 18,4% trong tháng 5/2023 (so với cùng kỳ năm trước), phản ánh nhu cầu đối với nguyên liệu đầu vào của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tiếp tục chậm lại.
Theo các chuyên gia WB, những diễn biến trên cho thấy, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ còn tiến triển chậm trong những tháng tới.
Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận giảm tháng thứ tư liên tiếp, từ mức 2,8% trong tháng 4 xuống mức 2,4% trong tháng 5 do giá năng lượng toàn cầu và chi phí vận tải trong nước giảm. Lạm phát cơ bản vẫn còn ở mức khá cao khi được ghi nhận là 4,5% trong tháng 5, gần như ngang bằng với mức 4,6% trong tháng 4.
Cam kết FDI cũng chậm lại trong tháng 5/2023 do những bất ổn toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Vốn FDI giải ngân đạt 1,8 tỷ USD trong tháng 5/2023, tương đương với cùng kỳ năm 2022.
Trước thực trạng này, đại diện WB khuyến nghị, nhu cầu bên ngoài tiếp tục yếu và những bất ổn toàn cầu đang có tác động bất lợi đến nền kinh tế, dẫn đến xuất khẩu và nhập khẩu bị thu hẹp, và sản xuất công nghiệp chậm lại. Trong khi tiêu dùng trong nước (thể hiện qua doanh thu bán lẻ) vẫn khá vững và có thể so sánh với mức tăng trước đại dịch, tăng trưởng tín dụng tiếp tục chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.
Trường hợp điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, nhu cầu bên ngoài có thể suy yếu hơn nữa. Miền Bắc Việt Nam bắt đầu bị thiếu điện tiêu dùng và sản xuất vào cuối tháng 5, nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia WB, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, điều mà có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá.
WB cũng khuyến nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả các Chương trình mục tiêu quốc gia) sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đồng thời, ưu tiên đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài.
Trong khi hoạt động xuất khẩu chế biến, chế tạo chậm lại và việc làm trong lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng, các chuyên gia WB cho rằng, điều quan trọng là phải nhanh chóng xác định và hỗ trợ những người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng thông qua hệ thống bảo trợ xã hội. Hợp lý hóa các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.