Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, trong năm 2023, thị trường Liên minh Châu Âu (EU) nhập khẩu cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005) từ các thị trường ngoài khối đạt trên 2,1 triệu tấn, trị giá 4,38 tỷ Eur (tương đương 4,78 tỷ USD), giảm 22,8% về lượng và giảm 32,3% về trị giá so với năm 2022.
Trong các nguồn cung ngoài khối, Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho thị trường EU.
Việt Nam là thị trường ngoài khối cung cấp cao su lớn thứ 12 cho EU với 67,82 nghìn tấn, trị giá 94,35 triệu Eur (tương đương 102,86 triệu USD), giảm 17,4% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với năm 2022. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của EU từ thị trường ngoài khối chiếm 3,23%, cao hơn so với mức 3,02% của năm 2022.
Trong năm 2023, EU nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối chủ yếu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, nhập khẩu các chủng loại này đều giảm so với năm 2022. Trong đó, cao su tự nhiên chiếm 48,58% tổng lượng cao su nhập khẩu của EU từ thị trường ngoài khối; cao su tổng hợp chiếm 46,29%; phần còn lại là cao su tái sinh và cao su hỗn hợp.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho EU, với 67,8 nghìn tấn, trị giá 94,19 triệu Eur (tương đương 102,68 triệu USD), giảm 17,3% về lượng và giảm 39,5% về trị giá so với năm 2022, thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU chiếm 6,64%, cao hơn so với mức 6,06% của năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam lại đứng thứ 4 khối ASEAN về thị phần cao su trong khối EU về cung cấp cao su tự nhiên.
Còn cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm 0,001% trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ các thị trường ngoài khối.
Tại thị trường EU, ngành công nghiệp - sản xuất - tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ (sản xuất máy bay, ô tô, xe máy, thiết bị, máy móc cho ngành chế tạo, y tế, hàng tiêu dùng), nhu cầu tiêu thụ của EU đối với cao su và các sản phẩm từ cao su rất lớn, đặc biệt là các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su tự nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU.
Tuy nhiên, Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU đang tác động trực tiếp đối với ngành hàng này. Để được phép lưu thông mặt hàng này tại EU, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vào EU cần đảm bảo sản phẩm hợp pháp và không gây mất rừng. DN có 18 tháng (DN lớn) hoặc 24 tháng (DN vừa và nhỏ) sau khi EUDR có hiệu lực để chuẩn bị đáp ứng với các yêu cầu của EUDR.
Do đó, Tổ chức Forest Trends khuyến nghị, các DN cần chủ động rà soát chuỗi cung ứng hiện tại của mình, xác định các rủi ro và từ đó đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro này.
Đối với chuỗi cung của mình, các DN cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong chuỗi, đặc biệt là mạng lưới tư thương, các nông hộ, những người cung nguyên liệu đầu vào cho DN, nhằm đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, bao gồm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, về vị trí của thửa đất sản xuất.
Các DN xuất khẩu cần chủ động hợp tác với các DN nhập khẩu của EU, nhằm nắm bắt đầy đủ các yêu cầu về EUDR, tìm kiếm nguồn lực từ các DN nhập khẩu này nhằm thay đổi, điều chỉnh chuỗi cung hiện tại của mình nhằm đáp ứng chặt chẽ các yêu cầu của EUDR. Các DN nên ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững. Chuỗi cung này giúp DN đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các hiệp hội cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để tập huấn, tuyên truyền thông tin về các yêu cầu EUDR đến các DN, tới đội ngũ thương lái và nông hộ sản xuất tham gia chuỗi.