Việt Nam có 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử

05/08/2024 09:17

Thị trường trung gian thanh toán (TGTT) ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, trong số 50 tổ chức trung gian thanh toán thì có tới 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Tại Hội thảo "Tương lai của trung gian thanh toán Việt Nam" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Ngân hàng Việt Nam (CLB VietFintech) tổ chức, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trường Vụ Thanh toán, cho biết, hiện, cả nước có 50 tổ chức TGTT được cấp phép cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó có 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. 

Việt Nam có 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tính đến ngày 30/6/2024, có hơn 34 triệu ví điện tử đang hoạt động, chiếm 59% trong tổng số gần 58 triệu ví điện tử đã kích hoạt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực này đạt 2,57 tỷ giao dịch trị giá 896,54 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn theo dữ liệu về kết quả phát triển Mobile-Money từ NHNN, trong tháng 6/2024, Việt Nam đã đạt 9,13 triệu tài khoản Mobile-Money, 11.885 điểm kinh doanh được thiết lập, 275.575 đơn vị chấp nhận thanh toán và 128 triệu giao dịch trị giá 4.782 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng thanh toán qua QR Code tăng 104,23% về số lượng và 99,57% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Thời gian qua, TGTT ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với hệ thống thanh toán tức thời, sự phổ biến của QR Code cũng như sự “lên ngôi” của thương mại điện tử xuyên biên giới và kinh doanh trên nền tảng số, “số hóa” dịch vụ truyền thống…

Theo ông Lê Anh Dũng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt, cơ hội, thách thức đan xen nhưng nhìn chung lĩnh vực trung gian thanh toán vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, khai mở các cơ hội mới từ xu hướng phát triển tích cực “số hóa” dịch vụ, kinh doanh số, thương mại điện tử xuyên biên giới và hành lang pháp lý tạo thuận lợi.

Hiện, hệ thống văn bản pháp luật quy định trong lĩnh vực này đã và đang tiếp tục được ban hành và hoàn thiện có ý nghĩa quan trọng và tích cực đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trong việc khuyến khích, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể như: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 40/2024/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 17/7/2024) quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các chuyên gia hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ, NHNN sẽ ban hành khung pháp lý rõ ràng, cụ thể và đầy đủ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển của thị trường thanh toán.

An Mai (t/h)