Vì sao nhiều nước buộc phải mua vaccine Covid-19 của TQ dù hiệu quả thấp, rủi ro cao?

22/02/2021 17:11

Dữ liệu thử nghiệm từ Brazil cho thấy, vaccine Sinovac chỉ có hiệu quả khoảng hơn 50%. Thế nhưng, loại vaccine này đã có khách xếp hàng dài chờ đợi.

Công việc dẫn khách du lịch tới Machu Pichu và rừng rậm Amazon của Marco Arellano phải ngừng trong suốt đại dịch Covid-19. Giờ đây, khi đất nước Nam Mỹ này phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm thứ hai, Arellano và hàng triệu người Peru đặt niềm tin vào một quốc gia khác, với mong muốn xoay chuyển tình thế hiểm nghèo.

Peru đã gia nhập hàng ngũ những nước đang phát triển từ Bắc Phi cho tới dãy Andes trông chờ sự trợ giúp từ Trung Quốc. Đối với những khách hàng này, vaccine phát triển tại các phòng thí nghiệm Trung Quốc và hiện đang được phân phối trên toàn cầu có thể là giải pháp cho một vấn đề lớn:

Làm thế nào để chủng ngừa cho người dân sau khi những quốc gia lớn hơn, giàu có hơn đẩy họ ra phía sau "danh sách chờ" với các loại vaccine đáng tin cậy hơn do phương Tây phát triển.

Vaccine Trung Quốc là giải pháp?

Với những nước như Peru, vaccine Trung Quốc mở ra một lộ trình chóng vánh khả thi nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, hoặc khoảng 70% dân số.

Tháng này Peru đã đạt thỏa thuận nhận lượng vaccine đáng kể từ phương Tây sau nhiều tháng bị các nước giàu có hơn từ chối. Tuy vậy, dù thỏa thuận được tiến hành như dự kiến, nếu xét tới cả những chậm trễ và biến chứng ghi nhận ở các nền kinh tế phát triển - quốc gia với 33 triệu dân sẽ chỉ có thể chủng ngừa cho khoảng phân nửa dân số nếu không có vaccine của Trung Quốc.

"Vaccine Trung Quốc là giải pháp cho một nước như Peru", Arellano nói. Anh đang trông chờ vào cam kết của chính phủ, rằng thỏa thuận với Trung Quốc sẽ cho phép Peru tiêm chủng tập thể vào những tháng tới và bắt đầu khôi phục nền kinh tế. "Điều đó sẽ khôi phục lòng tin".

Nhân viên y tế chờ tiêm vaccine Covid-19 ở Peru. Ảnh: Reuters

 

Khi đại dịch kéo dài sang 2021, chương trình tiêm chủng ở nhiều nước giàu có vẫn đang diễn tiến chậm chạp. Nhưng ở những nước đang phát triển, nó còn chưa bắt đầu.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, những nước đang phát triển "cỡ vừa và nhỏ" có thể chậm hơn các quốc gia đang phát triển "cỡ lớn" và các nền kinh tế đã phát triển trong việc đạt chủng ngừa vaccine diện rộng từ 6 tháng tới 1 năm.

Lỗ hổng ấy có thể tạo điều kiện cho đại dịch - và những tác động kinh tế của nó - hoành hành lâu hơn ở những nước không có khả năng chống đỡ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, nỗ lực chủng ngừa toàn cầu (Covax) đang được tiến hành và đã đạt đủ thỏa thuận để thực hiện mục tiêu phân phối 2 tỉ liều cho tới cuối năm nay. Tuy nhiên, số liều vaccine ấy vẫn chỉ đủ để chủng ngừa khoảng 20% số dân ở hầu hết các nước phụ thuộc vào chương trình, điều mà thậm chí nhiều chuyên gia còn cho là khó.

Buộc phải thỏa thuận với Trung Quốc?

Có một vấn đề lớn: Các quốc gia giàu có hơn đã giữ lại lượng lớn vaccine do phương Tây phát triển, có nước tích trữ số lượng gấp 2-3 lần dân số. Và như vậy, họ đã đẩy các nước có hầu bao eo hẹp và ít năng lực ngoại giao hơn ra ngoài.

Theo nghiên cứu của nhóm phân tích thuộc tập đoàn Economist, hàng chục quốc gia đang phát triển có thể phải đợi tới năm 2023 để chủng ngừa diện rộng.

Tình trạng thiếu hụt đã buộc nhiều nước đang phát triển phải tìm tới Trung Quốc. Hãng dược Trung Quốc Sinopharm và phòng thí nghiệm tư Sinovac Biotech đã bắt đầu giới thiệu sản phẩm ra toàn cầu.

Dữ liệu thử nghiệm từ Brazil cho thấy, vaccine Sinovac chỉ có hiệu quả khoảng hơn 50%. Thế nhưng, loại vaccine này đã có khách xếp hàng dài chờ đợi, bao gồm Indonesia, Brazil, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vaccine Sinopharm với mức hiệu quả tự đánh giá 79% thì phổ biến hơn, với các khách hàng gồm Ai Cập, Campuchia, Senegal và Peru.

"Covid có thể là một nhân tố thay đổi cuộc chơi thực sự đối với Trung Quốc", nhà dịch tễ học của RAND Jennifer Huang Bouey nói, "Họ chưa bao giờ thấy nhu cầu quốc tế lớn đến mức ấy đối với dược phẩm của mình".

Nghị sĩ Peru Posmoscrowte Chagua, vốn là một bác sĩ, phản đối thỏa thuận với Sinopharm: "Không nên sử dụng vaccine Trung Quốc bởi nó vẫn chưa trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng chặt chẽ. Họ vẫn chưa kết thúc giai đoạn 3 của thử nghiệm mà lại muốn bắt đầu chủng ngừa cho người dân. Chuyện này là không thể chấp nhận được".

Tổng thống Peru Francisco Sagasti đánh giá, vaccine Trung Quốc "hoàn toàn an toàn". Trong khi đó WaPo dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, Peru - khi không thể tiếp cận vaccine do phương Tây phát triển - đã buộc phải mua sản phẩm ít đáng tin cậy hơn.

"Thực tế rằng Peru và một số quốc gia nghèo hơn sẵn sàng bước vào thỏa thuận [với Trung Quốc] mà không hoàn toàn minh bạch về hiệu quả của vaccine cho thấy thách thức ngày càng gia tăng mà họ phải đối mặt trong việc tiếp cận vaccine [phương Tây] giá cao", Nicholas Lusiani, cố vấn cấp cao của Oxfam America nhận định.

Bắc Kinh vốn đã đầu tư nhiều vào khu vực được Washington coi như sân sau của mình và đối với nước này, chính sách ngoại giao vaccine có thể là một thắng lợi lớn - một cách để mở cửa những thị trường mới cho dược phẩm của mình trong khi vun đắp thiện chí ở châu Mỹ Latin, khu vực mà Trung Quốc lâu nay vẫn muốn mở rộng tầm ảnh hưởng.

Tuy nhiên sự thiếu rõ ràng trong hoạt động của Trung Quốc và thiếu hụt về dữ liệu lâm sàng được công bố liên quan tới vaccine đã làm nổi lên những nghi ngại về hiệu quả và sự an toàn - cũng như khả năng chuyển giao hàng triệu liều trong thời gian ngắn của các phòng thí nghiệm Trung Quốc. Đã có một số nước phàn nàn về tình trạng chậm trễ.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận khó khăn.

"Trong khi nỗ lực đáp ứng nhu cầu khổng lồ trong nước, chúng tôi đang cố hết sức để thúc đẩy hợp tác vaccine với những nước khác thông qua nhiều phương pháp khác nhau, đặc biệt là với những nước đang phát triển, để cho họ sự giúp đỡ mà họ cần", phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên ở Bắc Kinh.

Theo Thi Anh

"https://doanhnghieptiepthi.vn/vi-sao-nhieu-nuoc-buoc-phai-mua-vaccine-covid-19-cua-tq-du-hieu-qua-thap-rui-ro-cao-161212202074102312.htm"