Vì sao nhiều người chưa từng mắc COVID-19 suốt 2 năm đại dịch? Chuyên gia nêu 5 lý do

11/03/2022 14:11

Sau hai năm đại dịch, đến giờ vẫn có nhiều người chưa mắc COVID-19. Dưới đây, các chuyên gia sẽ đưa ra một vài giả thuyết giải thích cho điều này.

Gần đây, khi số F0 tăng cao, nhiều người cho rằng xu hướng bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, sự thật là, sau 2 năm đại dịch, có nhiều người vẫn chưa từng mắc COVID-19. Tại sao lại như vậy?

Kể từ khi biến thể Omicron trở thành biến thể chiếm ưu thế ở Mỹ, nhiều chuyên gia y tế Mỹ đã cảnh báo mọi người đều có khả năng nhiễm COVID-19 vào một thời điểm nào đó. Và một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho thấy số người có kháng thể với SARS-CoV-2 cao hơn nhiều so với số ca bệnh chính thức.

Vậy tại sao cho dù rất nhiều biến thể dễ lây lan xuất hiện, rất nhiều người vẫn chưa mắc COVID-19?

Dưới đây là một số lý do tại sao một số người chưa mắc COVID-19 vào thời điểm này của đại dịch.

afb67af174d6bb88e2c7-1646982393.jpg
Một người đàn ông đeo khẩu trang đi bộ trong khu phố Vellaces ở Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 21 tháng 9 năm 2020. (Ảnh: Burak/ Anadolu Agency)

Lý do 1: Vaccine, khẩu trang và giữ khoảng cách có hiệu quả

Có thể bạn đã phát ngán khi nghe đến những biện pháp này. Nhưng các bác sĩ, các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế công cộng đã nhiều lần khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa bệnh cơ bản này vì một lý do: Chúng có hiệu quả.

Tiến sĩ Marie-Elizabeth Ramas, một bác sĩ gia đình ở New Hampshire, Mỹ, cho biết: "Có một số biện pháp đã được chứng minh là làm giảm sự lây lan của bệnh: tiêm chủng hiệu quả, đeo khẩu trang trong không gian kín và duy trì khoảng cách".

Một nghiên cứu được công bố trong tuần này cho thấy việc bắt buộc đeo khẩu trang trong trường học có thể giảm gần 25% số ca mắc COVID-19.

Vì vậy, nếu cho đến nay bạn đã tránh được COVID-19, thì rất có thể lý do là bạn đã chăm chỉ đeo khẩu trang, tránh đám đông và tiêm vaccine ngay khi đủ điều kiện.

"Nếu một người chưa mắc COVID-19 mặc dù nó đã ở đây trong hai năm qua, phần lớn chỉ là do tự giác tiêm chủng và đảm bảo rằng họ có đủ đồ phòng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp đó", tiến sĩ Kevin Dieckhaus, giám đốc về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y tế UConn Health, Đại học Connecticut ở Connecticut, Mỹ, cho biết.

d2-1646982303.png
Đeo khẩu trang có hiệu quả trong phòng chống COVID-19. (Ảnh minh họa)

Lý do 2: Bạn cách ly tối đa có thể

Hai chuyên gia Dieckhaus và Ramas đều đồng ý rằng phần lớn mọi người đã tiếp xúc với coronavirus trong hai năm qua. Nhưng cả hai đều lưu ý rằng có một số người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng và phần lớn đã phải cách ly tại nhà trong đại dịch.

Khoảng 7 triệu người Mỹ được coi là bị suy giảm miễn dịch, bao gồm (nhưng không giới hạn) những người bị ung thư, cấy ghép nội tạng, đang điều trị hóa chất hoặc những người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Dù nhiều người suy giảm miễn dịch đã tìm mọi cách để ra ngoài một cách an toàn, nhưng với những người khác, cách ly là lựa chọn an toàn duy nhất của họ.

d3-1646982304.png
Giữ khoảng cách cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa COVID-19 hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Lý do 3: Bạn đã từng mắc COVID-19 nhưng không biết

Nhiều người có thể mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng và không hề hay biết.

Một cuộc khảo sát gần đây của CDC Mỹ với hơn 70.000 mẫu máu được lấy trong tháng 1 nhằm tìm kiếm các kháng thể được tạo ra sau khi nhiễm COVID-19 (không phải vaccine) đã phát hiện ra rằng khoảng 43% người Mỹ đã bị nhiễm virus này. Đó là tỷ lệ cao hơn nhiều so với số ca bệnh được báo cáo chính thức. Cuộc khảo sát cũng cho thấy số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em Mỹ thậm chí còn cao hơn. Khoảng 58% trẻ em Mỹ đã mắc COVID-19 trong đại dịch.

Các chuyên gia Mỹ cho biết khả năng rất cao là hầu hết người Mỹ đều đã tiếp xúc với virus, nhưng có một vài yếu tố quyết định họ có phát triển bệnh hay không (ngoài việc đeo khẩu trang và tiêm phòng). Một trong những yếu tố đó là lượng virus mà một người thải ra, vì một số người thải ra nhiều virus hơn người khác. Các yếu tố khác là mức độ tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh và tình trạng thông gió của địa điểm tiếp xúc.

d4-1646982303.png
Người dân đeo khẩu trang đi bộ trong bối cảnh dịch bệnh do COVID-19 bùng phát ở Nantes, Pháp, ngày 9 tháng 12 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Stephane Mahe

Lý do 4: Không phải gia đình cứ có F0 là cả nhà điều nhiễm

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng xác định chính xác tần suất lây nhiễm COVID-19 trong gia đình. Đó là một con số khó xác định, một phần vì mỗi gia đình có cơ sở vật chất khác nhau. Hành vi của họ cũng khác nhau (có đeo khẩu trang không, có mở cửa sổ không, đã tiêm phòng chưa…). Việc đo lường tần suất lây nhiễm COVID-19 là một thách thức vì bản thân virus liên tục thay đổi. Omicron dễ lây lan hơn Delta. Dòng phụ của Omicron - BA.2 – thậm chí còn dễ lây lan hơn nữa.

Tiến sĩ Dieckhaus cho biết: "Có rất nhiều yếu tố mà chúng ta có thể không hiểu".

Tuy nhiên, các ước tính hiện tại cho thấy lây nhiễm trong hộ gia đình không phải là không thể tránh khỏi. Theo một báo cáo của CDC Mỹ, trong thời gian Omicron chiếm ưu thế, trong một hộ gia đình có một F0, khoảng 50% các thành viên còn lại bị lây. Tuy nhiên, tỷ này thấp hơn ở các hộ gia đình thực hiện cách ly F0 nghiêm ngặt, ở hộ có người được tiêm chủng và có người đeo khẩu trang.

d6-1646982303.png
Việc đo lường tần suất lây nhiễm COVID-19 trong gia đình là một thách thức. (Ảnh minh họa)

Lý do 5: May mắn

Mặc dù có các biện pháp y tế công cộng đã giúp giảm thiểu nguy cơ mắc COVID-19 của từng cá nhân, nhưng có rất nhiều người chỉ đơn giản là may mắn hơn, tiến sĩ Dieckhaus thừa nhận.

Ông nhớ lại một số cuộc trò chuyện trong vài năm qua với những bệnh nhân đã rất cẩn thận và không thể nghĩ mình lây virus từ ai hay lây ở đâu.

"Có rất nhiều sự ngẫu nhiên đối với COVID", tiến sĩ Dieckhaus nói. "Có những người có vẻ ít tiếp xúc với nó nhưng lại bị bệnh, và có những người tiếp xúc nhiều dường như không sao".

Trà My