Đó là ý kiến của ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) - tại hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt", do báo Lao Động, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức ngày 21/5.
Theo ông Lê Anh Dũng, số lượng thẻ tín dụng nội địa tăng mạnh mẽ. Tính đến tháng 3, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 150,6 triệu thẻ, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023, với hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế. Trong số đó có 27 ngân hàng đang triển khai mở thẻ bằng eKYC, với hơn 15,3 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành hoạt động.
Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt trên 904.700 thẻ, tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%. Trong khi đó, giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị (cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).
Dù có tốc độ tăng trưởng mạnh về số lượng, song ông Lê Anh Dũng vẫn phải thừa nhận, so với quy mô dân số 100 triệu dân của Việt Nam, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành được vẫn còn vô cùng khiêm tốn.
"Hiện cả nước có hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa. Mặc dù số lượng thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng mạnh nhưng còn khiêm tốn. Với quy mô dân số 100 triệu dân, đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới", ông Dũng nói.
Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường thẻ tín dụng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế, có thể kể đến như: Thẻ tín dụng nội địa ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa của NHNN và tiêu chuẩn quốc tế EMV có tính an toàn, bảo mật cao, hạn chế rủi ro, gian lận, giả mạo cho chủ thẻ.
Thủ tục mở thẻ dễ dàng, chi phí phát hành và thanh toán thấp giúp đối tượng khách hàng có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý. Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ, thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện…
Mặc dù có nhiều ưu điểm và tính năng, song trên thực tế, doanh số thẻ tín dụng nội địa mới chiếm 0,5-0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường, nên độ phủ thị trường còn khiêm tốn.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Pháp, Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng VietinBank cho hay, hiện số lượng ngân hàng thương mại cổ phần tham gia phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất hạn chế, việc truyền thông, quảng cáo, các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh. Mặt khác, thẻ tín dụng nội địa khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn...
Do đó, để thẻ tín dụng nội địa phát triển mạnh hơn, các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế ưu đãi về phí xử lý giao dịch, phí chia sẻ giữa các ngân hàng và tổ chức chuyển mạch.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa; triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng.
Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán; đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen.