Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến năm 2030 diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930 ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000 ha khu công nghiệp, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000 - 85.000 ha.
Theo Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), ước tính chi phí đầu tư phát triển một ha đất khu công nghiệp bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch đến năm 2030 đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD.
Nếu tính suất đầu tư bình quân 6,5 triệu USD/ha đất công nghiệp thì nhu cầu thu hút vốn đầu tư lấp đầy diện tích còn lại của các khu công nghiệp của Việt Nam đã được quy hoạch khoảng 600-650 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư cần thiết để phát triển hạ tầng khu công nghiệp và lấp đầy các khu công nghiệp đã được quy hoạch khoảng 670-720 tỷ USD.
Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp chưa tương xứng với số vốn đầu tư. Đến hiện tại, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn khá thấp, có đến 121/414 khu công nghiệp vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, chưa tận dụng hết được một lượng vốn lớn về đất đai của nền kinh tế.
Lý giải nguyên nhân trên, tại Đại hội Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp diễn ra chiều 25/3, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp, cho biết quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại một số địa phương chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút vốn đầu tư. Mô hình phát triển khu công nghiệp còn chậm đổi mới… thiếu vắng các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp đã được nâng cao nhưng chưa đủ các điều kiện cần thiết, hiện đại để cạnh tranh với các khu công nghiệp trong khu vực và quốc tế.
Còn TS. Ngô Công Thành, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng chủ đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Việt Nam do năng lực tài chính hạn chế, có tâm lý chờ đợi tìm được nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong khu công nghiệp, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại muốn có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngay thì mới quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển khu công nghiệp thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn trong mối tương quan với các ngành, lĩnh vực khác. Còn khá nhiều khu công nghiệp triển khai chậm, vì nhiều lý do như công tác giải phóng mặt bằng chậm, suất đầu tư cao, chồng chéo về quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào khu công nghiệp không đảm bảo.
Hạ tầng kết nối đa phương tiện thiếu đồng bộ, mất cân đối khi vận tải đường bộ chiếm tới 77% tổng lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước. Tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng, nhà xưởng còn thấp. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp tại một số địa phương chưa đồng bộ.
Tính liên kết, hợp tác trong sản xuất còn thấp, chưa hình thành được các chuỗi sản xuất liên hoàn và các cụm liên kết ngành cũng là nguyên nhân khiến nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp.