Ngày nay, thang máy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, ở các thành phố lớn người dân tiếp xúc với thang máy hàng ngày: Tại cơ quan, ở nhà (thang máy ở nhà chung cư hay thang ở gia đình)... Bên cạnh những lợi ích thiết thực mà thang điện mang lại thì vẫn còn đó những nỗi ám ảnh thường trực đó là nỗi lo tại nạn thang máy, lo thang máy rơi.
Sáng 9-2, Công an quận Tân Phú, TP.HCM cho biết đang phối hợp cơ quan chức năng điều tra vụ thang máy rơi làm 1 người chết, 2 người bị thương nặng xảy ra ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM.
Bước đầu xác định nạn nhân tử vong là ông Ngô Văn Hậu, 50 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang. Hai người bị thương nặng là ông Phan Chí Tâm (42 tuổi) và con rể phạm Hoàng Kha (22 tuổi, cả hai ngụ tỉnh Sóc Trăng).
Hai cha con ông Tâm là công nhân, tạm trú tại lầu 4 của một căn nhà trọ trên đường Nguyễn Văn Vịnh, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM. Còn ông Ngô Văn Hậu là bảo vệ của căn nhà trọ này.
Thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng 20h tối 8/2 tại một căn nhà trọ trên đường Nguyễn Văn Vịnh, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP. HCM.
Thời điểm trên, ông Phan Chí Tâm (42 tuổi), Phạm Hoàng Kha (22 tuổi, con rể ông Tâm, cả 2 ngụ tỉnh Sóc Trăng), và ông Ngô Văn Hậu (50 tuổi, quê Tiền Giang, bảo vệ căn nhà) sử dụng thang máy chuyển hàng tại căn nhà trên.
Tuy nhiên, khi vào thang máy lại bấm nhầm đi lên, sau đó thang máy lên đến tầng 4 thì bị đứt dây cáp và rơi tự do xuống đất. Hậu quả khiến ông Ngô Văn Hậu tử vong tại chỗ, 2 bố con ông Tâm bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán anh Kha bị dập nát 1/3 cánh tay phải, gãy trật khớp cổ chân phải, có vết thương gót chân phải… Còn ông Tâm bị nứt xương bánh chè phải, gãy 1/3 xương đùi, gãy trật khớp mu, gãy xương cùng chân bên phải và xương sườn trái…
Và đây không phải trường hợp hy hữu, trước đó một vụ tai nạn thang máy xảy ra tại tòa nhà 4 tầng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) khiến một nam thanh niên bị kẹp cổ nguy kịch.
Được biết, khi đang sử dụng thang máy, anh Võ Nguyễn M.N (26 tuổi), nhân viên một công ty trong toà nhà nói trên đã không may bị cửa thang kẹp chặt đầu.Nạn nhân la hét kêu cứu, nhiều người khác cố đẩy cửa giúp M.N thoát ra nhưng bất thành.
Hàng chục Cảnh sát PCCC và xe thang có mặt ngay sau đó, ứng cứu nạn nhân. Tuy nhiên, do trọng lượng của chiếc thang máy khá lớn, cảnh sát phải dùng kích thuỷ lực cùng các dụng cụ chuyên dụng từ từ đẩy cửa thang máy, nhằm cứu nạn nhân an toàn.
Sau 1 giờ mắc kẹt, nạn nhân mới được đưa ra ngoài trong tình trạng thương tích nặng ở cổ, chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Phần lớn các vụ tai nạn nghiêm trọng do thang máy đều được xác định là do chất lượng thang kém: Một là chất lượng thang ngay từ ban đầu đã không đạt chuẩn (do chủ đầu tư ham rẻ hoặc các công ty thang máy cố tình cắt xén bớt thiết bị) hay là do công tác bảo trì không đảm bảo.
Hiện nay tại các tòa nhà công cộng, đặc biệt là các chung cư thì việc bảo trì thang máy thường không được thực hiện thường xuyên (phần lớn là cứ đến lúc hỏng mới gọi thợ) chính vì thế thang xuống cấp rất nhanh và không đủ điều kiện an toàn để hoạt động.
Ta có thể thấy hầu hết các trường hợp tai nạn đều xảy ra ở các công trình công cộng hay tai nạn thang tự chế. Hiện chưa ghi nhận trường hợp tai nạn thang máy gia đình nào. Một phần cũng bởi thang gia đình thì mật độ sử dụng ít hơn, ngoài ra người ta cũng "chăm sóc" thang tốt hơn.
Ngoài ra, tai nạn thang máy còn do công tác cứu hộ sai quy trình: Khi xảy ra sự cố kẹt thang máy thì nhân viên cứu hộ bắt buộc phải đưa thang về bằng tầng (sàn cabin phải bằng sàn tầng) thì mới được phép dùng chìa khóa cứu hộ mở cửa để người trong cabin ra ngoài. Nếu chưa bằng tầng mà mở cửa thì rất dễ xảy ra tai nạn ngã ngược vào hố.
Hoặc việc sử dụng không đúng các hoặc sử dụng sai mục đích (dùng thang tải hàng kém ai toàn để chở người) thì đều có thể gây ra các tai nạn đáng tiếc.
Theo Hải Đăng (Thương hiệu & Công luận)
"https://thuonghieucongluan.com.vn/tp-hcm-thang-may-nha-tro-roi-tu-do-3-nguoi-thuong-vong-a86601.html"