Vì đâu tín dụng xanh còn hạn chế?
Tại Tọa đàm "Tín dụng xanh: Mỏ vàng để ngân hàng phát triển bền vững" do báo Dân trí tổ chức sáng 2/10, ông Nguyễn Văn Nguyện - Phó Trưởng Phòng Tổng Hợp Kiểm soát nội bộ Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM - lý giải nguyên nhân tỷ trọng của tín dụng xanh hiện còn thấp do Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của tăng trưởng, phát triển tín dụng xanh nên nhận thức và hành động chưa được tương xứng như kỳ vọng.
Dù vậy, theo ông Nguyện, hàng năm, mức tín dụng xanh vẫn tăng trưởng dương, thậm chí hơn mức tăng trưởng của nền kinh tế.
Để có tỷ lệ như vậy cũng là nỗ lực lớn của ngân hàng. Nhiều ngân hàng cũng xây dựng chiến lược quản lý rủi ro cho mình, rồi tích hợp nội dung quản lý rủi ro vào quy trình cấp tín dụng xanh để đánh giá khi cho vay, đánh giá tác động đến môi trường.
Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp HDBank - cho rằng tín dụng xanh không phải chỉ tập trung cho mỗi lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà cần phải mở rộng danh mục, theo kiểu "không để trứng vào một giỏ". "HDBank mở rộng danh mục khách hàng, như ở lĩnh vực nông nghiệp, green building (tòa nhà xanh), bất động sản xanh", ông Phương thông tin. Đây thậm chí là điểm cạnh tranh của ngân hàng. Các ngân hàng nên "dấn thân" vào lĩnh vực này để tạo khác biệt.
"Có nhiều doanh nghiệp mới ra đời, quan tâm phát triển bền vững, HDBank có những cộng sự là nhà tư vấn nước ngoài quan tâm rót vốn lĩnh vực này, nên HDBank tự tin phát triển tín dụng xanh", ông cho hay. Năm ngoái, HDBank cũng đã giải ngân 11.000 tỷ đồng cho tín dụng xanh.
Bà Văn Thành Khánh Linh - Phó Tổng Giám đốc BVBank - cũng khẳng định đơn vị này không "chán" tín dụng xanh. "Tôi nghĩ không ai chán cả vì đã có sự đồng minh từ nhiều quỹ trên thế giới và có sự truyền thông, thúc đẩy rõ ràng từ phía Ngân hàng Nhà nước", bà Linh nói.
Cũng theo đại diện BVBank, con số 4,2% có vẻ khiêm tốn nhưng đó là sự nỗ lực: "Tôi nghĩ đó cũng là tín hiệu tốt cho tín dụng xanh trong tương lai".
Ngân hàng mong muốn gì để phát triển tín dụng xanh?
Một vấn đề cũng được các chuyên gia thảo luận sâu tại tọa đàm là việc nguồn lực chính cho tín dụng xanh của các ngân hàng dựa phần nhiều vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế…, song chỉ là nguồn lực bên ngoài và có vai trò trong giai đoạn đầu. Các chuyên gia cùng tìm giải pháp về lâu dài để việc cấp tín dụng cho dự án là trọn đời dự án chứ không chỉ theo giai đoạn.
TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM - nói không thể trông chờ hết vào Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, mà cần các bên khác tham gia, đặc biệt là nguồn vốn từ xã hội hóa.
Ông Huân nói trái phiếu xanh hiện khá mới mẻ ở Việt Nam. Thời gian tới, cần giải pháp thúc đẩy thị trường này để thu hút nguồn vốn dân cư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thành nguồn vốn trung dài hạn cho dự án đầu tư xanh.
Những sản phẩm về tín dụng xanh, tài chính xanh ở Việt Nam cũng còn sơ khai, mới mẻ. "Hiện có nhiều tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta nên tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm của họ để triển khai sản phẩm ở Việt Nam, nhất là trái phiếu xanh, sản phẩm phái sinh từ trái phiếu xanh", ông Huân nhận định.
Ông đề xuất nên phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon, dự kiến cực kỳ sôi động. Các ngân hàng cần nghiên cứu thị trường này để có chiến lược thời gian tới, nên đầu tư thế nào, hỗ trợ mua bán tín chỉ carbon ra sao cho phù hợp… qua đó giúp thúc đẩy tín dụng xanh.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Phương nói chúng ta chờ đợi các nhà đầu tư nước ngoài làm giàu thị trường vốn Việt Nam, giúp doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này có chuẩn cao, họ đòi hỏi nhiều tiêu chí khắt khe.
"Nếu gọi các yêu cầu này là khó thì sẽ khó, nhưng nếu xem các yêu cầu khắt khe đó là cơ hội để nâng mình lên thành doanh nghiệp mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp sẽ có bước phát triển lớn, trên cả thị trường thế giới", ông thừa nhận.
Bà Văn Thành Khánh Linh mong muốn Ngân hàng Nhà nước có ưu đãi cho các ngân hàng trong việc xanh hóa. "Chúng tôi vẫn bị quản lý bởi room tín dụng. Nên chăng Ngân hàng Nhà nước cảm thấy danh mục xanh hóa của BVBank, HDBank hay ngân hàng nào đó, đủ ở tỷ lệ nào đó, sẽ cho thêm room tín dụng. Đó là phần thưởng, chính sách động viên để doanh nghiệp có thể tiếp cận", bà Linh nói.
Bà khẳng định nếu có những thị trường vốn như trái phiếu xanh hay tín chỉ carbon thì sẽ sẵn sàng dấn thân trong phạm vi nguồn lực của ngân hàng để chung tay với cộng đồng xanh hóa.