Theo báo cáo của WiGroup mới đây, số liệu từ 15 ngân hàng công bố thuyết minh chi tiết cho biết, tỷ trọng dư nợ tín dụng bán lẻ quý I/2024 trong tổng cho vay khách hàng của nhóm nhà băng này đã giảm 1,9 điểm % so với cùng kỳ năm trước, xuống 40,7%.
Trong đó, có tới 9/15 ngân hàng báo cáo số dư tín dụng bán lẻ giảm so với cuối năm 2023, duy nhất có PGBank ghi nhận tỷ trọng tín dụng dư nợ bán lẻ tăng 0,8 điểm % so với cuối năm ngoái.
Nhóm khảo sát trên không bao gồm các ngân hàng thuộc nhóm Big4 và một số ông lớn cổ phần như ACB, Sacombank.
Những con số nêu trên cho thấy, tín dụng bán lẻ dù vẫn là chiến lược quan trọng nhưng việc đẩy mạnh giải ngân cho các doanh nghiệp lại là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng năm nay.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, rủi ro, cầu tiêu dùng còn hạn chế, các ngân hàng cũng tự tìm cách để mở rộng tệp khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của mình. Không chỉ tập trung vào các mảng thế mạnh bấy lâu, nhiều ngân hàng đã trực tiếp tiến vào hoặc lên kế hoạch mở rộng sang các mảng mới.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ 2024), Tổng Giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay hoạt động tín dụng bán buôn luôn là yếu tố hỗ trợ để ngân hàng đạt được mục tiêu. Đặc biệt, trong "bối cảnh hiện nay, khi tăng trưởng tín dụng mua nhà BĐS gặp khó khăn thì khai thác tín dụng bán buôn là cần thiết để đạt được mục tiêu".
Còn tại ACB, ngân hàng này cũng đang có hướng phát triển mảng doanh nghiệp lớn và vừa. Nhiều năm qua, ACB cũng dựa vào tăng trưởng mảng bán lẻ với gần 94%, mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Do đó, nếu ACB khai thác tốt mảng doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhờ còn nhiều dư địa và cao hơn bình quân các năm trước đây.
"Ông lớn" BIDV lại chọn cách tiếp cận dàn trải, tập trung nguồn lực cho tất cả các phân khúc khách hàng như: Khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp, khách hàng nước ngoài, SME, khách hàng cá nhân. "Không có ngân hàng nào chỉ làm mỗi bán lẻ, trừ các công ty tài chính", ông Tú chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ 2024).
Nhằm thúc đẩy tín dụng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo ngành ngân hàng. Trong đó mới đây nhất là Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Thủ tướng đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là phải công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.
Cùng với đó, các ngân hàng phải đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số…; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…