Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 với biến chủng mới đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, có thể bùng phát bất kỳ lúc nào và ở đâu trên đất nước ta. Việc thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch hiệu quả với tinh thần đặt nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của nhân dân lên trên hết, trước hết, đồng thời bảo đảm điều kiện và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, là một lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn và cần thiết đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ chỉ đạo nhất quán.
Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ này, giải pháp căn cơ, lâu dài trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới vẫn phải là 5K + vaccine, trong đó vaccine có ý nghĩa chiến lược, lâu dài và quyết định. Tuy nhiên, thực trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu đã gây rất nhiều khó khăn cho các nước nói chung và Việt Nam nói riêng trong tiếp cận, đàm phán và mua vaccine. Bên cạnh việc chỉ đạo, đôn đốc tiến độ tiếp cận, đám phán, mua vaccine, Chính phủ đã thống nhất chủ trương và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách, cần thiết để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19 trong nước, bảo đảm đúng quy trình, quy định.
Theo Thủ tướng, đất nước ta ở khu vực nhiệt đới gió mùa, về lâu dài, để chủ động phòng, chống mọi dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong mọi tình huống, không thể không có vaccine, phải quyết tâm thúc đẩy việc chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước.
Việc chủ động được nguồn vaccine nói chung và vaccine phòng, chống Covid -19 nói riêng sản xuất trong nước là một nhiệm vụ chiến lược, nặng nề, khó khăn cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực (cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người) để thực hiện. Vaccine có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của con người cho nên có yêu cầu rất cao về mức độ an toàn và hiệu quả sử dụng. Do đó, nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước là một nhiệm vụ chiến lược nhưng rất khó khăn, cần có quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của các Bộ, ngành liên quan.
Trên tinh thần nghiên cứu phải nghiêm túc, kỹ lưỡng, các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần đề cao trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất vaccine với phương châm 3 không: “Không nói không cơ chế, chính sách; không nói không có kinh phí; không nói không có vật tư, thiết bị, cơ sở vật chất”.
Cho đến nay, Việt Nam là một trong số các quốc gia trên thế giới đã và đang tự sản xuất, kiểm định, sử dụng vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, trong đó nền tảng quan trọng nhất là đội ngũ các nhà khoa học có kiến thức sâu, truyền thống, đam mê và bề dày kinh nghiệm; đã nghiên cứu và sản xuất được 11/12 loại vaccine phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985, trong đó có vaccine chấm dứt được bệnh bại liệt ở trẻ em năm 2000, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Trước yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, cần tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi nhất, thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để sử dụng vaccine sản xuất trong nước sớm nhất có thể, phấn đấu chậm nhất là trong tháng 6 năm 2022, nhưng phải tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ đúng quy trình, quy định của Việt Nam và WHO về việc đánh giá và công nhận.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất công nhận vaccine, trong đó có vaccine phòng Covid-19 theo đúng quy trình, quy định bảo đảm kịp thời, an toàn và nghiên cứu đề xuất theo thủ tục rút gọn về mặt thời gian, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Y tế chủ động, phối hợp chặt chẽ với WHO để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định về công nhận vaccine sản xuất tại Việt Nam.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine để có thể sản xuất vaccine trong nước sớm nhất phục vụ nhu cầu của nhân dân. Trực tiếp làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp có nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước để xử lý các vướng mắc về thủ tục, quy trình, cơ chế chính sách và giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết.
Nguồn lực con người luôn là nhân tố quan trọng và quyết định sự thành công, vì thế, phải có kế hoạch nâng cao, đào tạo, sử dụng bài bản lâu dài cho đội ngũ làm công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine, kêu gọi các nhà khoa học tiếp tục phát huy, kế thừa truyền thống, trên tinh thần tự lực, tự cường, liên tục đổi mới, sáng tạo, phát triển, bám sát thực tiễn cuộc sống để nghiên cứu, phục vụ.
Nhà nước ưu tiên dành nguồn lực nhất định, hợp lý về đầu tư, cơ sở vật chất cho việc chuyển giao công nghệ, phát triển sản xuất vaccine, trong đó có việc sử dụng Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 để dẫn dắt, huy động, kêu gọi các nguồn lực hợp pháp khác với các hình thức thích hợp, kể cả các dự án hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp ngoài nguồn lực của nhà nước.
Bộ Y tế chủ động có kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng mở rộng nói chung và chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 nói riêng, đảm bảo khả thi, kịp thời, an toàn, hiệu quả, lấy sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất, trên hết và trước hết.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xử lý các kiến nghị xác đáng, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phối hợp Bộ Y tế để xử lý cụ thế, Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện.