Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020, triển khai các nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn 2 triệu tỷ đồng và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch trung hạn cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương bằng 90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua. Tổng số dự án được giao kế hoạch trung hạn là 11.100 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2011-2015. Giải ngân bình quân hằng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch giao, năm 2020 đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, hơn 97,46%.
Thể chế pháp luật về đầu tư công ngày càng được hoàn thiện, quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu, phân cấp, tạo quyền chủ động và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư công.
Giai đoạn vừa qua cũng đã cân đối đủ vốn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Trung ương từ giai đoạn trước, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2016-2020.
Hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, đầu tư dàn trải, phân tán dần được hạn chế, số lượng dự án mới giảm dần, tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án dở dang, tỷ lệ dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 66,2%.
Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện, góp phần huy động một lượng lớn vốn đầu tư toàn xã hội, đạt khoảng 9,2 triệu tỷ đồng, bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra và cao hơn giai đoạn trước.
Giải ngân vốn đầu tư công đã từng bước được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là năm 2020, nền kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch COVID-19. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, cải thiện thêm một bước, nhiều dự án hạ tầng đầu tư từ giai đoạn trước thuộc các ngành, lĩnh vực then chốt được hoàn thành trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, đầu tư công trung hạn giai đoạn vừa qua vẫn có những tồn tại, hạn chế. Một số quy định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phân cấp còn chưa triệt để. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến đầu tư công còn một số bất cập như kế hoạch cứng nhắc, thiếu linh hoạt, mất thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Trong giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thúc đẩy phân cấp mạnh mẽ, rõ ràng hơn, nâng cao chất lượng lập dự án của địa phương…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đạt được của đầu tư công trong 5 năm qua. Theo Thủ tướng, kết quả này có được nhờ nỗ lực chung của nhiều cơ quan, của cả nước, trong đó có vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ có rất nhiều đổi mới, cố gắng lớn trong hoàn thiện thể chế, giảm "xin-cho", giảm tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu, dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ.
"Đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, cương quyết xóa bỏ "xin-cho" và chống tiêu cực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc thể chế, cải cách thủ tục hành chính, bổ sung các quy định cần thiết", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, phải khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để các bộ, cơ quan, địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng.
Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan rà soát lại thật kỹ lưỡng, tiếp tục giảm số dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để tập trung nguồn lực hơn nữa, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, không hiệu quả. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, đồng thời chú ý các dự án an sinh xã hội, chăm lo cho cuộc sống người dân.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số quan điểm trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải – vấn đề được nhiều ý kiến đề cập tại cuộc họp và cũng là một "nút thắt" lớn trong phát triển hiện nay.
Theo đó, phải đẩy mạnh triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ rủi ro.
Quan điểm dứt khoát là dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho phần xây lắp tại các dự án. Nguồn vốn Nhà nước sẽ đóng vai trò "vốn mồi" đóng vai trò dẫn dắt các nguồn vốn khác.