Giá lương thực toàn cầu đang tăng vọt và diễn ra vào thời điểm cực kỳ tồi tệ. Tại Indonesia, giá đậu phụ đã tăng hơn 30% so với hồi tháng 12. Tại Brazil, giá đậu đen tại địa phương cao hơn 54% so với tháng 1 năm ngoái, Ở Nga, người tiêu dùng đang phải trả giá đường cao hơn 61% so với 1 năm trước.
Các thị trường mới nổi đang phải hứng chịu tác động do chi phí nguyên liệu thô tăng chóng mặt, khi mọi mặt hàng từ dầu mỏ đến đồng và hạt ngũ cốc đều tăng cao hơn so với dự báo về sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ. Người tiêu dùng ở Mỹ, Canada và châu Âu cũng không thể tránh khỏi những tác động này.
Giá các loại lương thực chủ lực (hạt hướng dương, ngô và đậu tương) đã tăng lên mức cao trong nhiều năm.
Sylvain Charlebois – giám đốc Phòng Phân tích thực phẩm nông nghiệp thuộc Đại học Dalhousie tại Canada, cho biết: "Mọi người sẽ phải quen với việc chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn."
Bloomberg nhận định, đợt lạm phát lương thực sắp tới sẽ đặc biệt khó khăn. Khi tàn phá nền kinh tế toàn cầu, đại dịch làm dấy lên những mối lo ngại mới về nạn đói với suy dinh dưỡng ngay cả ở những quốc gia giàu có nhất thế giới. Tại Anh, Tổ chức từ thiện Trussell Trust đã phân phát 2.600 gói thực phẩm mỗi ngày cho trẻ em trong 6 tháng đầu tiên của đại dịch, đây là mức cao kỷ lục. Tại Mỹ, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã đẩy 13,2 triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực, tăng 35% so với năm 2018, theo ước tính từ Feeding America.
Theo Nielsen, tại Mỹ, mức giá chung đã tăng gần 3% trong năm kết thúc vào ngày 2/1, gần gấp đôi tổng tỷ lệ lạm phát. Bước nhảy vọt đã gây ra ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là đối với những hộ gia đình đã ở mức cận nghèo. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhóm nghèo nhất nước Mỹ đã chi 36% thu nhập cho thực phẩm. Hơn nữa, việc sa thải hàng loạt những công việc có mức lương thấp đã khiến ngân sách hộ gia đình gặp khó khăn hơn.
Trong khi đó, giá các mặt hàng chủ lực như ngũ cốc, hạt hướng dương, đậu tương và đường đã tăng vọt, đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức cao nhất trong 6 tháng vào tháng 1. Do thời tiết xấu, nhu cầu gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tình trạng này sẽ không sớm hồi phục.
Các thị trường phát triển có xu hướng không bị ảnh hưởng bởi những đợt tăng giá ngắn hạn, bởi họ sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn hơn và chuỗi thực phẩm cũng phức tạp hơn.
Trong quá trình chế biến 1 giạ ngô thành 1 gói Tostitos, các công ty thực phẩm có nhiều dư địa điểm giải quyết chi phí gia tăng. Tuy nhiên, Theo David Ubilava – giảm viên cấp cao chuyên ngành kinh tế nông nghiệp tại Đại học Sydney, cho biết khi chi phí ở mức cao trong một thời gian dài, thì các doanh nghiệp bắt đầu suy nghĩ về việc làm thế nào để vượt qua.
Tình trạng tăng giá có thể vẫn chưa rõ ràng đối với người tiêu dùng. Thay ví tăng mức giá trên nhãn, các nhà bán lẻ có thể hạn chế số lượng sản phẩm được mua và các chương trình khuyến mãi đặc biệt. Ngoài ra, một vấn đề khác có thể diễn ra được gọi là "shrinkflation" – giảm phát thu hẹp. Đó là khi các mặt hàng bị thu nhỏ về kích cỡ nhưng giá vẫn không đổi.
Tại Anh, "chiến lược" shrinkflation đã được nhiều công ty áp dụng. Một nghiên cứu của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho thấy, từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2017, có tới 2.529 sản phẩm được sản xuất với kích cỡ nhỏ hơn, cao gấp 4 lần so với số sản phẩm tăng kích cỡ. Đây là giai đoạn các công ty thực phẩm ở nước này đối mặt với chi phí thực phẩm gia tăng cùng đồng bảng Anh suy yếu.
Ngành công nghiệp thực phẩm ở Bắc Mỹ lại đối mặt với những thách thức riêng. Đặc biệt, việc thiếu hụt cả container để vận chuyển và tài xế xe tải đã khiến quá trình vận chuyển trở nên tốn kém hơn. Ngoài ra, giá dầu tăng cao cũng khiến chi phí đóng gói tăng mạnh.
Tại các thị trường mới nổi – nơi người dân thường sử dụng thực phẩm gần với trạng thái tự nhiên hơn, các gia đình đang đối mặt với vấn đề này.
Rahayu (64 tuổi) sống tại tỉnh West Java (Indonesia) cho biết: "Giá tempeh và đậu phụ hiện vẫn tương tự như tuần trước. Tuy nhiên giá ớt đã tăng hơn gấp đôi lên 70.000 rupiah (4,97 USD)/kg. Tôi sẽ phải sử dụng tiết kiệm hơn."
Trước áp lực giá thực phẩm tăng mạnh, Nga và Argentina đã áp dụng các biện pháp hạn chế đối với một số mặt hàng chủ lực và hạ thuế với hàng xuất khẩu, nhằm nỗ lực kiềm chế mức giá trong nước.
Ở một số quốc gia phát triển, các chính phủ đang tập trung nhiều hơn vào khả năng tự cung tự cấp. Pháp đang có kế hoạch tăng sản lượng các loại rau củ có hàm lượng protein cao để giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu đậu tương. Trong khi đó, Singapore gần đây đã trở thành quốc gia đầu tiên chấp nhận bán thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệp, khi quốc gia này đẩy mạnh năng lực thực phẩm trong nước.
Theo Lục Lam
"https://doanhnghieptiepthi.vn/the-gioi-dang-chung-kien-tinh-trang-dang-bao-dong-gia-luong-thuc-thuc-pham-dat-muc-cao-trong-nhieu-nam-vuot-toc-do-tang-truong-tien-luong-va-lam-phat-161210103222536822.htm"